Thị trường

Đức tiếp nhận lao động trình độ cao Việt Nam

Ngày 8.3 tại Hà Nội, bộ Lao động thương binh và xã hội đã ký thoả thuận hợp tác với cơ quan Lao động Liên bang Đức (BA) và tổ chức hợp tác quốc tế (GIZ) triển khai thí điểm chương trình lao động di cư có trình độ cao trong khuôn khổ chương trình Di cư có lợi cho ba bên.

Trong năm 2012, Việt Nam và Đức sẽ hợp tác, xúc tiến các biện pháp chuẩn bị cần thiết để có thể tuyển chọn, đào tạo bổ sung trình độ kỹ năng, ngoại ngữ đối với 20 lao động các ngành toán, tin học, khoa học tự nhiên, công nghệ và 20 lao động nghề hàn để đưa sang làm việc tại Đức.

 


Đây là nội dung chính của thỏa thuận hợp tác giữa hai nước để triển khai mô hình thí điểm về lao động di cư có trình độ tay nghề cao trong khuôn khổ chương trình “Di cư có lợi cho ba bên-Triple Win Mirgation” vừa được ký kết ngày 8/3, giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm giới thiệu chuyên gia và việc làm ngoài nước (Cơ quan lao động Liên bang Đức) và Tổ chức hợp tác quốc tế (GIZ) của Đức.



Chương trình di cư có lợi cho ba bên là chương trình thu hút nhân lực tay nghề cao của Đức với mục đích có lợi cho cả ba bên: người lao động sang Đức làm việc, quốc gia nhận lao động (Đức) và quốc gia đưa lao động sang Đức (Việt Nam).


Khi tham gia chương trình “Di cư có lợi cho ba bên”, lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao trong một số ngành nghề công nghệ, kỹ thuật sẽ có cơ hội thể hiện được khả năng, trình độ và kinh nghiệm của mình và được bảo đảm hưởng các quyền lợi về thu nhập, bảo hiểm, lưu trú theo quy định pháp luật của Đức.


Thông qua chương trình, nước phái cử sẽ tận dụng được khả năng được chuyển giao những kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến, cũng như nguồn kiều hối. Đồng thời nước tiếp nhận cũng có khả năng tiếp nhận được một lực lượng lao động với trình độ tay nghề có chất lượng.



Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần hạn chế và loại bỏ các yếu tố rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là việc chảy máu chất xám. Đây là yêu cầu đặt ra trong thời gian thử nghiệm để rút kinh nghiệm cho việc mở rộng và phát triển chương trình này.


Trên cơ sở mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên đã được khẳng định tại “Tuyên bố chung Hà Nội” và xuất phát từ quan hệ truyền thống sẵn có trong lĩnh vực lao động, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, việc ký kết và triển khai mô hình hợp tác thí điểm này sẽ tạo tiền đề mở ra một hướng hợp tác với yêu cầu về chất lượng cao hơn, toàn diện và vì lợi ích của bản thân người lao động di cư, cũng như cho cả hai nước./.

 


Hồng Kiều (Vietnnam+

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo