Xã hội

Đúc tượng rùa vàng ở Hồ Gươm: Chuyên gia nói gì?

Dư luận hiện đang xôn xao tranh cãi khi ý tưởng “đúc biểu tượng rùa vàng nặng 10 tấn” ở Hồ Gươm. Nhiều chuyên gia lên tiếng nêu quan điểm của mình.

Xung quanh đề xuất đúc tượng rùa vàng cao 3,5m, nặng 10 tấn đặt ở phố đi bộ Hồ Gươm của ông Tạ Hồng Quân - một công dân sinh sống và làm việc tại Hà Nội. GS Phan Huy Lê cho rằng, xây dựng bất cứ công trình nào ở không gian đặc biệt này cũng cần thận trọng, tính toán kỹ lưỡng chứ không thể tùy tiện, theo tin tức trên báo Lao động.

Mô hình tượng rùa được đề xuất trong dự án đang gây xôn xao dư luận. Ảnh Vietnamnet.

GS Trần Lâm Biền cũng phản đối gay gắt ý tưởng này và cho rằng không thể chọn con rùa làm biểu tượng của Việt Nam. “Con rùa vẫn được coi là con vật chậm chạp. Xưa các cụ đã không coi trọng con rùa, chẳng lẽ bây giờ chúng ta lại nâng nó lên thành biểu tượng” - GS Biền nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, dù khen ý tưởng dựng tượng rùa vàng ở hồ Gươm là hay, nhưng cũng khuyên lãnh đạo Hà Nội nên cân nhắc, thận trọng. 

“Hồ Gươm là không gian tâm linh của người Việt. Vì thế ý tưởng hay là một chuyện, thực hiện thế nào, kích thước bao nhiêu, đặt ở đâu quanh hồ Gươm... lại không dễ. Tôi nghĩ nên đưa rộng rãi lên các phương tiện truyền thông để người dân, nhà nghiên cứu cùng bàn” - là ý kiến của ông Dương Trung Quốc.

Hà Nội đã có biểu tượng, là Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã được quy định trong Luật Thủ đô tháng 11/2012. Bên cạnh đó, theo chia sẻ của ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VHTT Hà Nội - hiện nay đã có 2 phiên bản rùa đặt ở đền Ngọc Sơn. 

Đầu tiên là con rùa bằng gốm, nặng 4 tấn, mang nguyên mẫu của rùa hồ Gươm, có màu sắc, hình ảnh giống rùa thật đến 99%. Công trình này do các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng thực hiện, Sở VHTT Hà Nội đã tiếp nhận trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Và xác ướp rùa cũng được đặt trong đền Ngọc Sơn, hằng ngày người dân, khách du lịch vẫn vào đây tham quan.

 

Xung quanh “Dự án đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm - Thần Kim Quy" tại Hồ Gươm, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội di sản Văn hóa Việt Nam, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản đã nêu ý kiến của mình trên báo VietNamNet. 

Theo ông PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Hồ Gươm là khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bản thân vùng đất này đã mang trong lòng nó ý nghĩa lịch sử và văn hóa thiêng liêng với tên Hồ Gươm, Hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa… 

Bất cứ việc làm nào ở đây không tính toán kỹ cũng dễ dẫn đến việc làm tổn thương Di tích cả về không gian, cảnh quan, di sản văn hóa, không gì có thể bù đắp được.

Bản thân khu đất thiêng này đã mang trong lòng nó ý nghĩa lịch sử-văn hóa sâu xa, gắn liền với truyền thuyết Rùa Vàng, mà cả nước và thế giới đều biết, ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ người Việt Nam, vì vậy không cần thiết phải xây dựng biểu tượng Rùa Vàng ở đây. Chúng ta hãy làm tốt việc bảo vệ, bảo quản, giữ gìn cảnh quan, môi trường ở nơi này, giữ cho được hồn cốt của nó.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, các địa điểm dự kiến đặt biểu tượng, theo tôi được biết, đều nằm trong khu vực bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt khu vực Hồ Hoàn Kiếm, đó là các vị trí hết sức nhạy cảm, chắc chắn sẽ tác động không tốt tới cảnh quan, không gian của Di tích.

 

Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Lao động, Vietnamnet)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo