Tin tức - Sự kiện

Đừng biến thứ trưởng thành phiên dịch

Theo quan điểm của Bộ trưởng Hà Hùng Cường quy định thứ trưởng phải đạt trình độ ngoại ngữ cấp 6 có lẽ phải đến năm 2030 mới khả thi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Ảnh Nguyễn Dũng)

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Dễ thui chột nhân tài đất nước

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Bộ Nội vụ soạn thảo nghị định này căn cứ vào Luật cán bộ công chức và được Chính phủ giao nhiệm vụ. Dự thảo chưa được Bộ Tư pháp thẩm định nên khi công bố có nhiều ý kiến liên quan đến tiêu chuẩn của Thứ trưởng.
 
“Cá nhân tôi cho quy định này không cần thiết và khó khả thi. Có ĐBQH cũng đã nói, nếu luân chuyển cán bộ từ địa phương lên thì làm sao đủ trình độ ngoại ngữ. Thậm chí ngay cả cán bộ ở Trung ương cũng khó đạt được”.
 
Bộ trưởng Cường nêu quan điểm và đưa ra nhận định, quy định này có lẽ phải đến năm 2030 mới khả thi. Điều này càng có cơ sở khi cách dạy và học ngoại ngữ hiện nay, như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nói là “không giống ai” khi trả lời chất vấn ĐBQH tại phiên họp Quốc hội này.
 
“Tôi khẳng định lại dự thảo nghị định này chưa qua thẩm định. Khi thẩm định Bộ Tư pháp sẽ có ý kiến về vấn đề này. Mặc dù Thứ trưởng là công chức cao cấp, nhưng liệu có cần tiêu chuẩn này khi đã có các quy định của Đảng? Quy định như vậy có khi còn làm thui chột nhân tài của đất nước. Người ta quản lý rất giỏi, nhưng chỉ thiếu 1 số tiêu chuẩn gì đó mà không được bổ nhiệm thì đất nước sẽ mất đi nhân tài” – Bộ trưởng Cường nói.
 
Còn với tiêu chí về “lòng yêu nước sâu sắc”, Bộ trưởng Cường cho rằng, quy định này lại “càng mịt mờ”, chưa từng được quy định. Mặc dù ban soạn thảo muốn cụ thể hóa các quy định của Đảng nhưng lại không có định lượng.
 
Trước các tiêu chí Bộ Nội vụ đưa ra, Bộ trưởng Cường cho rằng, nếu khảo sát xem hiện có bao nhiêu thứ trưởng đạt tiêu chuẩn này thì tỷ lệ đạt được sẽ rất ít, thậm chí Bộ trưởng…lại càng ít.
 
ĐBQH Đào Trọng Thi (Ảnh: Nguyễn Dũng)
 
ĐBQH Đào Trọng Thi: Đừng biến thứ trưởng thành phiên dịch!
 
Chủ nhiệm Ủy ban VHGD thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng: Yêu cầu về ngoại ngữ với cấp bậc thứ trưởng là chính đáng và cần thiết. Nhưng cũng phải xem trình độ thực tế của cán bộ mình đến đâu.
 
Thời điểm này, tại các cơ quan không chuyên sử dụng thì rất khó thông thạo ngoại ngữ, kể cả các cán bộ trẻ được đào tạo tương đối bài bản ở trong nước. Nếu chúng ta yêu cầu ngoại ngữ quá cao thì trong số những người giỏi nhất về ngoại ngữ có khi lại là người có trình độ chuyên môn không đáp ứng yêu cầu.
 
Quy định này nếu thực hiện thì nên có lộ trình và có mức độ, tức là phải xem xét trình độ ngoại ngữ của cán bộ hiện nay để đưa ra yêu cầu hợp lý. Tuy nhiên, ưu tiên số một vẫn phải là năng lực quản lý.
 
Thứ trưởng mà chỉ biết ngoại ngữ thì hóa ra chỉ là phiên dịch à? Đừng biến một ông cán bộ cao cấp thành người phiên dịch. Ông phiên dịch không thể thành một ông quản lý giỏi. Ngược lại ông quản lý tốt chưa chắc đã có ngoại ngữ vì đã có phiên dịch viên rồi.
 
Nếu như đưa ra yêu cầu trình độ ngoại ngữ quá cao ngay trong giai đoạn hiện nay thì chắc chắn sẽ bỏ qua những người có năng lực, trình độ quản lý giỏi, chỉ vì trình độ ngoại ngữ của họ không tốt.
 
Đối với quy định thứ trưởng “phải có lòng yêu nước sâu sắc”, ông Đào Trọng Thi cho rằng, quy định này không cần phải đưa vào, vì tất cả cán bộ của nhà nước đều phải có lòng yêu nước.
Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo