Thị trường

Đừng bỏ hết trứng vào một rổ!

Hai công ty đưa khách du lịch Nga đến Việt Nam nhiều nhất hiện nay vừa quyết định tạm ngừng những chuyến bay thuê bao đưa khách Nga đến TP HCM và Phú Quốc vào tháng tới.

Thị trường này tăng trưởng nhanh và khó khăn xảy đến cũng nhanh, khiến nhiều doanh nghiệp, địa phương đầu tư vào đó xoay xở không kịp.

 

Hai công ty Công ty Du lịch Ánh Dương và Pegas Touristik cho biết kinh tế Nga suy giảm, đồng rúp mất giá khiến cho doanh nghiệp giảm đến 50% khách trong mùa đông khách này dù đã giảm giá tour đến mức thấp nhất có thể. Một vài công ty khác cũng cho biết sẽ khó duy trì thị trường nếu lượng khách vẫn giảm như hiện nay.

 

Khách đến ít, hàng loạt khách sạn, resort, nhà hàng... ở nhiều điểm du lịch như Nha Trang, Phan Thiết gặp khó khăn. Đại diện ngành du lịch hai địa phương này cùng doanh nghiệp du lịch, khách sạn cũng vừa quyết định sẽ tiếp tục giảm giá để giữ thị trường nhưng có lẽ tin vui sẽ không thể đến trong năm mới bởi kinh tế Nga đang ngày càng suy giảm.

 
Du khách Nga đi ngang những cửa hàng có bảng hiệu bằng tiếng Nga ở Hàm Tiến, Phan Thiết. Lượng khách Nga đang sụt giảm khiến nhiều khách sạn, nhà hàng ở đây kinh doanh khó khăn hơn trước - Ảnh: Đào Loan

 

Nga là thị trường mới nổi của ngành du lịch Việt Nam, cung cấp khoảng hơn 330.000 lượt khách du lịch trong 11 tháng đầu năm nay. Trong vài năm gần đây, thị trường này tăng trưởng đến vài chục phần trăm mỗi năm và khách Nga là lượng khách lớn của những điểm du lịch như Phan Thiết, Nha Trang…

 

Thậm chí, ở Mũi Né (Phan Thiết) hầu như những dịch vụ, bảng hiệu trên phố, thực đơn ở nhiều khách sạn đều được viết bằng tiếng Nga, giá cả được quy ra đồng rúp… Cơ quan quản lý du lịch cũng dành nhiều ưu ái cho thị trường này khi thực hiện các hoạt động quảng bá, tiếp thị. Nay khách Nga giảm, nhiều doanh nghiệp lao đao và cơ quan quản lý cũng bối rối trong việc tìm cách tháo gỡ khó khăn.

 

Khó khăn này đến bất ngờ bởi những biến động kinh tế của nước Nga nhưng không ngoài dự đoán của nhiều người, rằng ngành du lịch sẽ dễ bị tổn thương khi phụ thuộc vào một số thị trường lớn. “Bình Thuận, Khánh Hòa đặc biệt là Bình Thuận đã sai khi đầu tư quá nhiều vào thị trường Nga. Điều đó chẳng những làm cho ngành du lịch dễ bị tổn thương khi có biến cố mà còn làm cho những khách khác không muốn đến”, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, nhận xét.

 

Theo ông Huê, nhiều du khách đến từ những thị trường khác cho biết họ không thích Phan Thiết bởi thấy dường như mọi dịch vụ ở đây đều dành cho khách Nga. Thêm vào đó, mỗi thị trường có những yêu cầu riêng về dịch vụ nên ngành du lịch không thể phục vụ tốt nếu chỉ chăm chăm vào một lượng khách nào đó mà quên đi sở thích của các nhóm khác. “Thay vì quy hoạch vùng dịch vụ cho khách Nga rồi dành các khu vực còn lại cho những thị trường khác thì Phan Thiết lại để dịch vụ tự phát, dẫn đến việc khách Nga thích thì những người khác lắc đầu” - ông Huê nói.

 

Theo nhiều doanh nghiệp, nguyên nhân khiến cơ quan quan lý để các dịch vụ phát triển một cách tự phát hay doanh nghiệp lệ thuộc vào một số nguồn khách là do bị động trong việc phát triển thị trường. Cơ quan quản lý thấy thị trường nào tăng thì đẩy mạnh quảng bá còn doanh nghiệp không tự lấy được khách từ đầu nguồn lại lệ thuộc vào đối tác nước ngoài.

 

Cả nước có hơn 1.000 công ty lữ hành quốc tế nhưng rất ít trong số này có khả năng lấy khách trực tiếp tại thị trường nguồn nên khi đối tác nước ngoài gặp khó thì công ty trong nước cũng sa sút theo vì không có thị trường khác thay thế. Thêm vào đó, có những công ty thậm chí chỉ chăm chăm phục vụ cho một, hai đối tác mà không tính đến chuyện đầu tư, thiết lập các mối quan hệ làm ăn mới để giảm bớt khó khăn khi mất bạn hàng.

 

Kinh nghiệm từ sự sụt giảm mạnh của khách Trung Quốc và khách từ thị trường tiếng Hoa sau căng thẳng về vấn để biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc hồi giữa năm nay vẫn cho thấy sự chủ động trong việc tìm kiếm và đa dạng hóa thị trường là hết sức quan trọng để du lịch phát triển bền vững.

 

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới để tạo bước chuyển biến đột phá cho ngành du lịch. Một trong những nội dung mới trong trong nghị quyết này là chính phủ yêu cầu ngành du lịch phải mở rộng thị trường quốc tế, giảm phụ thuộc vào một số thị trường lớn. Thực tế cho thấy việc bỏ hết trứng vào một rổ rất không hay trong tình hình kinh doanh đầy biến động như hiện nay.

Theo TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo