Tin tức - Sự kiện

Dùng chất tạo nạc, người nuôi nói gì?

Sau khi TP đưa tin Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu phạt năm cơ sở chăn nuôi lợn 125 triệu đồng do sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, phóng viên đã tìm gặp các chủ cơ sở chăn nuôi.

Các chủ cơ sở đều cho biết họ mua chất tạo nạc trên thị trường và cho lợn ăn theo chỉ dẫn của nhân viên tiếp thị.

 

Tại cơ sở chăn nuôi lợn của ông Trần Công Trường, xã Phước Hội, Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu có tới 800 con lợn thịt đang chuẩn bị xuất chuồng.

 

Ông Trường cho hay, bốn tháng trước nhân viên tiếp thị của một công ty sản xuất thức ăn gia súc tới giới thiệu loại phụ gia “Premix” có tác dụng làm cho lợn săn chắc, tăng lượng nạc nên đã mua dùng thử.

 

Sau một thời gian thấy lợn bung đùi, săn chắc, hình thức bắt mắt, xuất bán được giá cao hơn 1.000 đồng/kg so với loại không ăn chất này. Mỗi tháng trang trại của ông Trường xuất bán khoảng năm tấn lợn hơi cho các thương lái đến từ TP. Hồ Chí Minh. Cùng xã Phước Hội, cơ sở nuôi lợn của ông Hoàng Hữu Đức cũng đang nuôi 700 con.

 

Ông Đức khẳng định sử dụng thức ăn có chất cấm do nhân viên tiếp thị đến tận nhà quảng cáo, chứ ông không hề biết sản phẩm này có chứa chất độc hại. Mỗi tháng ông Đức xuất bán khoảng bốn tấn lợn cho các thương lái ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh.

 

Ông Lê Xuân Tiến, xã Đá Bạc, Châu Đức, Bà Rịa -Vũng Tàu thừa nhận đã sử dụng loại thức ăn đậm đặc do nhân viên tiếp thị đến chào bán “chứ tôi cũng không hề biết gì về tác hại của nó”.



Giá thịt lợn giảm mạnh

Sau khi báo chí đưa tin, người dân BR-VT e ngại mua phải thịt lợn có chứa độc tố tạo nạc, khiến sức mua thịt lợn tại chợ Bà Rịa - Vũng Tàu giảm mạnh, giá cũng giảm. Cụ thể, chợ Vũng Tàu chỉ còn tiêu thụ khoảng năm tấn thị lợn/ ngày, giảm 50% so với trước đây.

 

Các hộ này cho biết, khi Chi cục Thú y Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo trong Premix có chất độc hại, khi cho lợn ăn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì họ đã ngưng sử dụng và đã ký vào biên bản cam kết không sử dụng nữa.

 

Mẫu thịt lợn của năm trang trại này xuất bán tại TP. Hồ Chí Minh đều chứa chất cấm thuộc nhóm beta agonist. Thịt và nội tạng lợn có dư lượng beta agonist, khiến người sử dụng có thể bị ngộ độc cấp, sốt, run cơ, căng thẳng, tim đập nhanh, tăng huyết áp, đau đầu, choáng váng, buồn nôn, tiêu chảy...? tổn hại hệ thần kinh, hệ tuần hoàn có thể gây tử vong.

 

Tích lũy lâu dài chất này sẽ dẫn tới ung thư và một số bệnh khác. Hiện Chi cục Thú y Bà Rịa - Vũng Tàu đang phối hợp điều tra cơ sở sản xuất các loại thức ăn có chất cấm này.

 

Chất cấm đã được dùng cả chục năm nay?

 

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, chất cấm để tạo nạc đã được người chăn nuôi lợn dùng cả chục năm nay. Các cơ sở chăn nuôi lợn ở Đồng Nai không chỉ cung cấp trong tỉnh, mà còn đem đi tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh.

 

Trong năm 2011, Chi cục Thú y Đồng Nai không phát hiện tình trạng sử dụng chất cấm, nhưng Cục Chăn nuôi đã phát hiện ba mẫu xét nghiệm nước tiểu lợn dương tính với chất cấm salbutamol có tại một trang trại chăn nuôi và hai cơ sở giết mổ ở tỉnh này.

 

Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh cũng phát hiện 17 mẫu dương tính với chất cấm trong bảy lô lợn có nguồn gốc từ Đồng Nai. Mới đây, ngày 8/2, Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh lại tiếp tục phát hiện tồn dư chất cấm trong nước tiểu lợn có nguồn gốc từ Đồng Nai với 51 mẫu dương tính.

 

Thế nhưng việc trao đổi thông tin lại chỉ thông qua văn bản nên cuối cùng nằm lại bàn giấy mà không có một hành động cụ thể nào. Đến nay, khi báo động về vấn đề này được gióng lên, các cơ quan ban ngành tỉnh Đồng Nai mới bắt đầu họp bàn các giải pháp quản lý chất cấm trong chăn nuôi.

 

Ông Công đề nghị: “Các ngành chức năng kiểm tra thương lái vận chuyển lợn, các lò giết mổ buộc phải cam kết, nếu sử dụng thì phải chịu chi phí tiêu hủy, đồng thời bị xử phạt thật nặng. Chỉ cần làm quyết liệt vài vụ sẽ mang lại hiệu quả”.

 

Ông Nguyễn Trọng Lộc, Phó phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an Đồng Nai đề nghị, khi phát hiện cơ sở nuôi lợn sử dụng chất cấm, nên có văn bản yêu cầu bên công an tham gia ngay từ đầu.

 

Ông Trần Văn Quang, Chi cục phó Chi cục Thú y Đồng Nai cho rằng quy định về công tác thanh kiểm tra còn nhiều bất cập khi mỗi năm kiểm tra không quá 2 lần, phải báo trước 10 ngày bằng văn bản và khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm mới được kiểm tra đột xuất, gây khó cho cơ quan thú y.

 

Theo TPO

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo