Đừng ép doanh nghiệp để chiếm dụng vốn
Nội dung dự thảo quy định doanh nghiệp phải nộp phí trước, sử dụng dịch vụ sau được các doanh nghiệp ví như việc làm ép buộc để chiếm dụng vốn doanh nghiệp.
Thu qua đầu phương tiện thiếu công bằng
Ngày 22.11, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.Hồ Chí Minh phối hợp Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.Hồ Chí Minh, Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo.
Ông Đinh Nam Dinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.Hồ Chí Minh - cho rằng, việc thu phí qua đầu phương tiện sẽ không đảm bảo tính công bằng. Bởi lẽ, nó như một loại phí cố định đối với doanh nghiệp vận tải, trong khi không phải tất cả các phương tiện của doanh nghiệp đều hoạt động liên tục (do bị hư hỏng, tai nạn, bị giam giữ, không có hàng hóa...). Do vậy, Hiệp hội Vận tải kiến nghị thu phí quỹ bảo trì đường bộ qua xăng dầu, thay cho thu qua đầu phương tiện để đảm bảo tính công bằng, phương tiện nào sử dụng dịch vụ đường bộ nhiều sẽ đóng phí nhiều, sử dụng ít đóng ít.
Dự thảo quy định: Chủ xe phải nộp phí Quỹ bảo trì đường bộ trước theo năm (12 tháng) hoặc theo chu kỳ đăng kiểm. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp, hiệp hội vận tải tỏ ra khá bức xúc. Ông Đinh Nam Dinh cho rằng, việc ép doanh nghiệp ứng tiền nộp phí trước, rồi sử dụng dịch vụ sau không đúng với bản chất của Pháp lệnh Phí và Lệ phí, mà ngược lại việc làm này không khác gì chiếm dụng vốn của doanh nghiệp. Đồng tình quan điểm này, ông Trần Huy Hiền – Tổng Thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận - cho biết thêm, với những doanh nghiệp, nhiều phương tiện thì số tiền nộp phí này không nhỏ, nếu ứng trước ra nộp thì lãi suất ai chịu? Bỏ tiền ra nộp trước, trong khi lại chưa biết thời gian tới xe có hàng hóa để chạy? Rồi những yếu tố rủi ro khác như xe gặp tai nạn, hư hỏng, bị giam giữ thì có được hoàn lại phí?... Các Hiệp hội Vận tải đề nghị nên quy định áp dụng nộp phí hằng tháng đối với từng loại phương tiện, nhằm giúp các doanh nghiệp tính toán sử dụng phương tiện hiệu quả.
Nguy cơ tăng giá cước vận tải và hàng hóa
Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ được Chính phủ ban hành 13.3.2012 và có hiệu lực áp dụng thu phí từ 1.6.2012. Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên Chính phủ cho lùi thời hạn áp dụng thu phí đến đầu năm 2013. Tại buổi lấy ý kiến ngày 22.11.2012, các doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải, Hiệp hội Giao nhận kho vận đều kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoãn việc thu phí đến thời điểm thích hợp khác. “Tình hình kinh tế chung trong năm 2013, được dự báo sẽ còn khó khăn hơn. Do vậy nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ từ đầu năm 2013 không chỉ ảnh hưởng trực tiếp nặng nề đối với các doanh nghiệp vận tải, giao nhận, mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân. Việc thu phí sẽ làm tăng giá cước vận tải (tăng khoảng 10%) và làm đội giá thành sản phẩm hàng hóa đến tay người dân” – ông Đinh Nam Dinh nhận định.
Theo các Hiệp hội Vận tải, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hiện nay đều hoạt động cầm chừng, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng, thậm chí doanh nghiệp bị phá sản. “Nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ thời điểm hiện nay, thì khi người dân chưa bị ảnh hưởng chúng tôi đã chết rồi, vì chúng tôi là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ gánh nặng của loại phí này” - ông Trương Trí Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng - chia sẻ. Dẫn chứng số tiền nộp phí khá lớn, bà Lương Phạm Tuyết - GĐ Công ty vận tải Công Thành - tính toán với khoảng 150 xe đầu kéo và gần 1.000 rơmoóc hiện có của công ty sẽ phải đóng hơn một chục tỉ đồng/năm.
Theo dự thảo thông tư, mức thu phí đối với xe ôtô (chưa tính xe quân sự, xe công an) dao động từ 130.000 đến 1.040.000 đồng/tháng/phương tiện (tùy từng loại xe, phương tiện), tương ứng 1.560.000 đến 12.480.000 đồng/năm/phương tiện. Đối với xe môtô gắn máy dưới 100cm3, xe máy điện thu 50.000 – 100.000 đồng/năm; trên 100cm3 thu 100.000 – 150.000 đồng/năm; xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xylanh thu 2.160.000 đồng/năm.
Ông Trần Viết Hòe - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Đà Nẵng - kiến nghị không thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy từ 100cm3 trở xuống và xe máy điện. Theo ông Hòe, hầu hết xe máy từ 100cm3 trở xuống là phương tiện chính tối thiểu của người lao động nghèo, nông dân đi lại để kiếm sống, nếu thu phí với loại phương tiện này sẽ thêm gánh nặng cho người nghèo. Tương tự, xe máy điện là phương tiện thân thiện môi trường khuyến khích người dân sử dụng.
Hải Anh (Theo Lao Động)
End of content
Không có tin nào tiếp theo