Thị trường

Đừng mong lãi từ vốn vay

Hơn 1/3 của 600.000 doanh nghiệp trên cả nước đang đứng trước bờ vực phá sản, trong đó nhiều doanh nghiệp đã ngưng hoạt động hoặc sống thoi thóp

Thông tin trên được ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trao đổi với hàng trăm chủ doanh nghiệp kinh doanh nhà đất, vật liệu xây dựng tại buổi tọa đàm về các giải pháp khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) do Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea) tổ chức vào ngày 28-4 ở TPHCM.

 

Doanh nghiệp luôn trông vào ngân hàng

 

Lần đầu tiên sau gần 7 năm thành lập, các doanh nghiệp thuộc Horea được tiếp cận một tổ chức tín dụng hàng đầu của Việt Nam để cùng đối thoại sòng phẳng, rõ ràng, minh bạch về việc vay vốn và những mặt trái trong hoạt động giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp. Tuy chưa phải là đại diện cho hơn 37 tổ chức tín dụng trên cả nước nhưng qua những tranh luận giữa BIDV và các doanh nghiệp đã làm rõ thực trạng lãi suất cho vay cao đang gặm mòn tài sản của hàng trăm ngàn doanh nghiệp.

 

Theo số liệu ông Trần Bắc Hà đưa ra tại buổi tọa đàm, hiện hơn 1/3 của 600.000 doanh nghiệp trên cả nước đang đứng trước bờ vực phá sản, trong đó nhiều doanh nghiệp đã ngưng hoạt động hoặc sống thoi thóp, có những doanh nghiệp đang ôm những khoản nợ rất lớn. Tuy vậy, có những doanh nghiệp hoạt động “ảo”, làm ăn không trung thực, kinh doanh manh mún…, do đó việc khai tử là cần thiết.
 
Song đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, bản thân BIDV cũng như các ngân hàng khác cũng đang tích cực hỗ trợ nhằm vượt qua khủng hoảng. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp BĐS có mức tín nhiệm cao sẽ tiếp cận nguồn vốn mới và đó là cơ hội phục hồi tốt cho thị trường BĐS…
 
Do vậy, theo ông Trần Bắc Hà, cách tốt nhất là doanh nghiệp BĐS nên mạnh dạn tái cơ cấu, hạ giá thành sản phẩm, chuyển nhượng những dự án không thể thực hiện và điều quan trọng nhất là quên đi ý nghĩ nhờ vốn ngân hàng để tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiếm siêu lợi nhuận trên lĩnh vực này...


Doanh nghiệp nên tự trách

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, năm 2011 là một năm cực kỳ khó khăn với các doanh nghiệp BĐS. Hầu hết doanh nghiệp đều phải đương đầu với việc thiếu vốn, phải chịu lãi suất rất cao từ 24% - 25%/năm, hàng hóa tồn kho lớn, thanh khoản kém…
Tình hình khó khăn trên ngoài những nguyên nhân khách quan từ thị trường, cơ chế chính sách còn có trách nhiệm của chính doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp thiếu tầm nhìn, thiếu năng lực và thiếu chuyên nghiệp đã không nghiên cứu kỹ thị trường, đầu tư theo xu hướng đám đông làm thị trường méo mó, xuất hiện tình trạng vừa thừa vừa thiếu, nhất là thiếu những căn hộ loại vừa và nhỏ với giá hợp lý.
 

Nói không với “hoa hồng”

 

Bức xúc trước vấn nạn “ngân hàng lãi lớn, doanh nghiệp phá sản”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Horea, đặt ra nhiều câu hỏi cho vị lãnh đạo BIDV. Ông Trần Bắc Hà cho rằng không nên “quy chụp” BIDV như những tổ chức tín dụng khác, đồng thời đưa ra những con số chứng minh. Cụ thể: trong 4 tháng đầu năm 2012, BIDV chỉ hoàn thành 6% kế hoạch của cả năm, nếu tính sòng phẳng thì mất khoản lợi nhuận tương đương 1.700 - 2.000 tỉ đồng.
 
Không chỉ vậy, BIDV đã và đang xem xét cơ cấu lại toàn bộ các khoản vay, thời gian vay và miễn, giảm lãi suất cho nhiều trường hợp. Ông Hà cũng cho rằng hiện nay ngân hàng huy động của dân 12%/năm, sau khi trích quỹ dự phòng rủi ro, chi phí nhân công, thuế… thì lãi suất phải tăng thêm từ 2,7% - 2,8% mới là điểm hoàn vốn. Như vậy, với mức cho vay của BIDV hiện từ 13,5% - 16%/năm, không thể nói ngân hàng nào cũng siêu lợi nhuận và giết doanh nghiệp. “Thực tế, doanh nghiệp và ngân hàng cùng đi chung một thuyền, doanh nghiệp chết hết thì các ngân hàng cũng không thể tồn tại…” - ông Hà nói.
 
“Vậy còn việc doanh nghiệp phải “đi đêm” với cán bộ tín dụng mới mong có được khoản vay từ 24% - 25% và phải chịu thêm một khoản lãi ngoài hợp đồng từ 2% - 5%, việc này như thế nào? BIDV có cam kết các doanh nghiệp khi vay ở ngân hàng của mình sẽ không phải chịu bất kỳ khoản lãi nào không? Cán bộ BIDV có chịu việc không nhận bì thư bồi dưỡng…” - bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Thường trực Horea, hỏi.
 
Ông Trần Bắc Hà thẳng thắn: “Bản thân các ngân hàng và BIDV không có chủ trương nào về việc đòi những khoản chi phí ngoài hợp đồng nhưng đối với một số cá nhân thì rất khó quản lý. Nhưng ở BIDV, nếu có những cá nhân như vậy thì ai biết hãy báo ngay, tôi sẽ xử lý ngay. Không thể chấp nhận những cán bộ, nhân viên mà đòi chung chi hoa hồng…”.
 

Nhiều đại biểu cho rằng dù buổi tọa đàm chỉ gói gọn giữa một tổ chức tín dụng và Horea, chưa thể phản ánh hết bức tranh chung về tình hình nợ nần của các doanh nghiệp, tiêu cực phí trong ngành ngân hàng. Tuy vậy, qua đây, Ngân hàng Nhà nước có thêm kênh thông tin để điều chỉnh chính sách hợp lý trong lĩnh vực tài chính, giúp doanh nghiệp vượt khó.

 

Theo NLĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo