Đừng nhắm mắt dồn dân vào bến xe
Chống xe “dù” lộng hành là cần thiết nhưng biện pháp tốt nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chứ đừng đẩy cái khó về dân.
Việc Bộ GTVT sắp ban hành thông tư mới nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô nhằm thay thế Thông tư 18/2013 đang được dư luận quan tâm.
Một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM:
Hãy xem lại cách kinh doanh của các bến
Qua sự phát triển của các hãng xe thương hiệu (có nhiều loại xe như liên tỉnh/hợp đồng/du lịch/lữ hành; mở các điểm đón, trả khách phù hợp; phục vụ đưa đón khách tận nơi…), tôi cho rằng các bến xe cần coi lại cách kinh doanh, phục vụ của mình. Tại sao các hãng xe thương hiệu luôn thu hút được khách tìm tới mình, trong khi các bến cứ phải thụ động ngồi chờ khách đến? Đó là do các hãng làm tốt nhiệm vụ phục vụ hành khách, còn các bến thì chưa.
Từ thực tế trên, tôi cho rằng Bộ GTVT cần cởi mở hơn với các loại hình xe hợp đồng/du lịch/lữ hành. Chống xe “dù” hoạt động trá hình là cần thiết nhưng phải tìm biện pháp khả thi hơn và tiêu chí quan trọng là không được ảnh hưởng xấu tới số đông hành khách.
Ông Giang Văn Trí, Chủ nhiệm HTX Vận tải Sao Việt, quận 6, TP.HCM:
Hãy để dân tự lựa chọn hình thức đi xe
Những đề xuất trong dự thảo thông tư mới bộc lộ sự phân biệt đối xử giữa các hình thức vận chuyển hành khách. Cụ thể, xe chạy hợp đồng/du lịch/lữ hành sẽ bị soi, siết chặt hơn xe chạy liên tỉnh cố định từ các bến. Với động thái này, dường như Bộ GTVT muốn dồn dân vào bến đi xe hơn là để họ tự do lựa chọn hình thức đi xe phù hợp, thuận tiện.
Ông Dương Tiến Thự, Chủ nhiệm HTX 27-7, quận Gò Vấp, TP.HCM:
Có quy định chỉ là hình thức
Quy định buộc các xe chạy hợp đồng/du lịch/lữ hành khi lăn bánh phải thông báo tới Sở GTVT chỉ là hình thức. Vì lẽ thông báo về hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng… luôn không khớp với thực tế. Ví dụ, hợp đồng đón khách ở điểm A vào giờ G nhưng khi xe chuẩn bị lăn bánh thì khách đòi lùi thời gian khởi hành, hoặc xe không thể đến điểm A đúng giờ vì bị kẹt xe trên hành trình. Vậy không lẽ khi đó Sở GTVT cứ nhắm mắt xử phạt?
Bạn đọc Nguyễn Đặng Phương Truyền, TP.HCM:
Đừng đẩy cái khó về dân
Hiện nay việc đặt vé qua điện thoại, email vô cùng tiện lợi cho người dân. Khi đã đặt vé xong, người dân được đảm bảo 100% là ngày đó, giờ đó mình chắc chắn sẽ có vé đi. Nay nếu quy định các hãng xe hợp đồng/du lịch/lữ hành không được bán vé, xác nhận đặt chỗ trước cho hành khách thì người dân sẽ bị làm khó trước tiên. Khi đó, họ sẽ mất thời gian ra bến sớm để mua vé, rồi hồi hộp không biết ngày đó, giờ đó có xe để đi hay không. Các hãng xe cũng bị động vì sát giờ khởi hành cũng không biết chuyến xe đó có bao nhiêu khách đi.
Theo tôi, chống xe “dù” lộng hành là cần thiết nhưng biện pháp tốt nhất là hãy tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chứ đừng đẩy cái khó về dân.
Bà Trần Thị Trang, quận 10, TP.HCM:
Cẩn thận kẻo cải lùi
Tôi thấy khó hiểu là hiện ngành hàng không, đường sắt đang cải tiến hình thức bán vé. Khách đi máy bay, xe lửa có thể đặt chỗ qua mạng hoặc qua các đại lý, sau đó tới ngày đi mới ra sân bay/nhà ga. Vậy tại sao vận tải hành khách đường bộ lại không cho mua vé hay đặt chỗ trước qua mạng và điện thoại? Nếu quả thật Bộ GTVT ra quy định như vậy thì nên buộc người muốn đi máy bay phải ra sân bay mua vé luôn, như vậy mới công bằng.
Bạn đọc Nguyễn Nam Linh, Tân Hiệp, Kiên Giang:
Khó cho tôi quá
Lâu nay muốn về TP.HCM, tôi chỉ cần đặt vé qua điện thoại và xe từ Rạch Giá lên sẽ đón tôi ở Tân Hiệp. Nay với quy định này, tôi phải chạy ngược 35 km để ra Bến xe Rạch Giá mua vé và lên xe, sau đó xe khách lại đi qua chính quãng đường tôi vừa phải đi. Thật quá khó cho tôi, vừa tốn thời gian, tiền bạc lẫn sức khỏe.
Bốn loại hình vận chuyển khách liên tỉnh
Theo Nghị định 86/2014 và dự thảo thông tư mới của Bộ GTVT, có bốn loại hình vận tải hành khách liên tỉnh:Theo tuyến cố định là xe đi từ các bến (có hành trình, có bến đi, bến đến) và khách phải mua vé trước khi lên xe.Xe hợp đồng là chạy không theo tuyến cố định (có thể chạy trong tỉnh hoặc liên tỉnh) và không cần mua vé trước mà thực hiện theo hợp đồng giữa chủ, hãng xe với người thuê xe.Xe du lịch hợp đồng chạy không theo tuyến cố định mà theo chương trình du lịch (tour) và có hợp đồng giữa hãng xe và hãng du lịch.Xe du lịch lữ hành cũng chạy theo tour nhưng hãng xe, hãng du lịch được gom khách lẻ, khách không đi theo đoàn và khách chỉ cần đi một vài điểm trong tour (nên gọi là open tour).Các hãng xe được quyền chọn kinh doanh một vài loại hình hoặc cùng lúc cả bốn loại hình vận chuyển hành khách trên.
Theo Pháp luật TP.HCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dịch vụ bảo dưỡng, chăm sóc ô tô đắt khách dịp cận Tết
Mùa Tết của những làng nghề đặc sản trăm tuổi ở miền Tây
Đi chợ Tết ngày cuối năm - Nét văn hoá của người Việt
Cần Thơ bắn hơn 1.000 quả pháo hoa mừng Tết Nguyên đán
'Vương quốc hoa kiểng' nhộn nhịp ngày cận Tết
Ngành đường sắt bán hơn 434.000 vé trong dịp Tết Nguyên đán 2025
Cột tin quảng cáo