Thị trường

Đuối vì rào cản

Các quy định pháp lý về quảng cáo chưa rõ ràng, điều kiện cấp phép khó khăn… làm phát sinh tiêu cực, kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước

Theo các doanh nghiệp, để có được một bảng quảng cáo ngoài trời, doanh nghiệp quảng cáo phải thực hiện hàng loạt thủ tục để xin hơn 20 chữ ký mới có được giấy phép.

 

Giấy phép hành doanh nghiệp

 

Tại TP. Hồ Chí Minh, quy hoạch của hầu hết các quận, huyện là hợp thức hóa những bảng quảng cáo đã có sẵn. Để chèn thêm bảng quảng cáo, nhất là tại các vị trí đắc địa (theo quy định không được quảng cáo), nhiều doanh nghiệp lách bằng cách liên kết với các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa làm bảng cổ động. Cách làm này tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, thiếu minh bạch.

Hành trình xin giấy phép


Chủ tịch Hội đồng quản trị một doanh nghiệp chuyên về quảng cáo ngoài trời cho biết: Để có được giấy phép thực hiện quảng cáo ngoài trời, trước tiên, doanh nghiệp phải đến Ủy ban Nhân dân quận, huyện (địa bàn dự kiến đặt bảng quảng cáo) xin xác nhận quy hoạch cho phép đặt quảng cáo.
Kế đến, phải có hợp đồng thuê mặt bằng (sổ đỏ, công chứng, có nơi còn yêu cầu nộp... giấy đăng ký kết hôn!), có bản vẽ thiết kế xây dựng (đóng dấu của công ty thiết kế được phép hành nghề), được Sở Xây dựng tỉnh/thành thẩm định kết cấu phù hợp, được Sở Quy hoạch - Kiến trúc đồng ý là quy hoạch hợp lý, được Sở Giao thông Vận tải đồng ý là không làm ảnh hưởng đến giao thông công cộng hoặc nằm trong dải phân cách, được Sở PCCC xác nhận không có nguy cơ gây cháy nổ...
Tùy vị trí đặt quảng cáo mà cơ quan cấp phép yêu cầu thêm giấy phép của Sở PCCC và một số sở, ngành khác. Chẳng hạn, nếu quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh thì phải bổ sung giấy phép của cơ quan y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Tiếp theo, doanh nghiệp mang tất cả các giấy phép này đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh/thành để xin phép, nếu được đồng ý thì mới được dựng bảng quảng cáo.
Theo quy định hiện hành, tối đa 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan chức năng sẽ phải trả lời/cấp phép cho doanh nghiệp nhưng thực tế, thời gian này là vô chừng. Doanh nghiệp nào “biết đường đi” thì sẽ rút ngắn được thời gian xin cấp phép, ngược lại sẽ rất khổ sở, mệt mỏi...
 
Chi phí quảng cáo ngoài trời cho một bảng vuông diện tích khoảng 2 m x 2,5 m trên lề đường Lê Lợi (quận 1) lên đến 25.000 USD/năm, nếu trả đúng trả đủ thì số tiền nộp vào ngân sách sẽ rất lớn nhưng thực tế thì Nhà nước chẳng bao giờ thu được triệt để khoản này.
 
Ông Đỗ Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, xin giấy phép cho một bảng quảng cáo ngoài trời phải mất từ sáu tháng đến một năm, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
 
Giấy phép quảng cáo ngoài trời sinh ra quá nhiều giấy phép con, như: giấy phép của ngành giao thông, công an, văn hóa, thậm chí là giấy phép của cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, dược, nông nghiệp… Thế nhưng, không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, từ đó hình thành cơ chế xin - cho, phục vụ lợi ích nhóm; trong khi doanh nghiệp quảng cáo phải gánh thêm chi phí.
 

Hiện dự án Luật Quảng cáo đang được xem xét tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII để thông qua, trong đó dự kiến sẽ bỏ quy định về giấy phép quảng cáo ngoài trời. Các doanh nghiệp quảng cáo trong nước hy vọng Luật Quảng cáo sẽ giúp họ nhẹ gánh nặng thủ tục, chi phí; tạo môi trường làm ăn thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh.

 

Chồng chéo, áp đặt

 

Các doanh nghiệp quảng cáo còn nhiều phen kêu trời vì sự thiếu đồng bộ, chồng chéo trong quản lý. Cùng là một mẩu quảng cáo, đài truyền hình/địa phương này chấp nhận nhưng đài truyền hình/địa phương khác lại không đồng ý. Pháp lệnh Quảng cáo cấm các hành vi quảng cáo vi phạm đạo đức, văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam nhưng không diễn giải, quy định cụ thể những hành vi nào là trái với truyền thống lịch sử, không phù hợp thuần phong mỹ tục…
 
Vì thế, các cơ quan quản lý mạnh ai nấy hiểu và ra quyết định chấp nhận hoặc từ chối cấp phép. Dự án Luật Quảng cáo (điều 6, mục 2) cũng có nội dung cấm “quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Hy vọng sắp tới đây, các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành luật này sẽ hướng dẫn rõ ràng hơn, tránh cách làm định tính, áp đặt như trước nay.
 

Các doanh nghiệp quảng cáo cũng cho rằng cần bỏ quy định khống chế tỉ lệ chi phí quảng cáo 10% trên tổng chi phí hợp lý của doanh nghiệp (nói chung) hoặc nâng tỉ lệ này lên. Với quảng cáo trên internet, cần có quy định cụ thể vì đây là lĩnh vực đặc thù. Hiện quảng cáo trên mạng không phải xin phép, không được kiểm soát chặt và không ai chịu trách nhiệm với những nội dung quảng cáo quá sự thật, trái pháp luật và thuần phong mỹ tục.

 

Theo NLĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo