Tin tức - Sự kiện

‘Đường chờ lún’ chỉ có ở Việt Nam!

Lún là một hiện tượng bình thường. Nó xảy ra khi nền đất tự nhiên chịu tác dụng tải trọng công trình. Lún kéo dài nhanh hay chậm tùy thuộc vào tính chất đất nền, tải trọng công trình và các giải pháp xử lý gia cố nền.

Mức độ nghiêm trọng của lún thường được biểu diễn thông qua hai thông số là tổng độ lún cuối cùng và mức độ cố kết lún. Thông thường đất càng yếu thì thời gian lún cố kết càng lâu. Vì thế với những công trình giao thông quan trọng, người ta phải có các giải pháp xử lý để lún nhanh và tắt dần khi đưa vào sử dụng.

Để công trình đưa vào khai thác sử dụng bình thường khi nền vẫn còn lún, thế giới đều đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định về độ lún còn lại cho phép và mức độ cố kết tối thiểu phải đạt được tùy quy mô, tính chất con đường và tại các vị trí xung yếu. Ở Việt Nam, các tiêu chuẩn kỹ thuật về khảo sát thiết kế đường ô tô từ lâu đều đã quy định vấn đề này và nêu rõ độ lún còn lại chỉ 10-30 cm (cho cao tốc, tùy vị trí).

Như vậy đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế phải tính đúng độ lún và thời gian lún (độ cố kết) để từ đó đưa ra giải pháp xử lý phù hợp đảm bảo theo tiêu chuẩn còn lại khi xây dựng lớp kết cấu mặt đường cũng như khi bắt đầu cho phép đưa tuyến đường vào khai thác sử dụng. Kế đến, giám sát thi công phải “bám” theo chỉ dẫn kỹ thuật và hồ sơ thiết kế để kiểm tra chất lượng thi công của nhà thầu và quá trình lún thực tế của công trình. Sau đó mới là trách nhiệm của nhà thầu thi công trong việc thực hiện theo yêu cầu của chủ đầu tư và tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Các bảng “đường chờ lún” không biết có ở Việt Nam từ bao giờ. Lúc đầu chỉ xuất hiện ở các đường dẫn vào cầu rồi sau đó lan ra các đoạn đường bình thường. Đây là một hiện tượng nói lên tính thiếu trách nhiệm và không có cơ sở khoa học của các cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện dự án. Họ không tính toán được hoặc tính toán sai về lún, thậm chí nghi ngờ cả kết quả tính toán của mình rồi tư vấn đưa ra giải pháp đối phó gây lãng phí tiêu cực và làm mất lòng tin trong người dân về ngành giao thông. Nhưng đáng tiếc vẫn không thấy Bộ GTVT lên tiếng giải thích về chuyện chờ lún này, để hậu quả ngày càng nghiêm trọng với việc tăng nhanh số lượng bảng báo “đường chờ lún”.

Thế giới không đâu có bảng báo “đường chờ lún”, chỉ có ở ngành GTVT Việt Nam. Vậy nên đến lúc Bộ GTVT nên cấm hẳn loại bảng báo vô trách nhiệm này, bổ sung điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật về lún trên cơ sở khoa học và kế thừa kinh nghiệm thế giới.

Theo PL TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo