Tin tức - Sự kiện

Đường lún do trải thảm nhựa đường vào mùa hè!

Tình trạng lún hằn bánh xe tại một số tuyến đường đang trở thành vấn đề nóng được dư luận và ngành giao thông đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Nhiều hội nghị, hội thảo đã đưa vấn đề ra “mổ xẻ” để tìm nguyên nhân...

Thậm chí cuối tuần qua, khi đi thị sát dự án QL1 dọc từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã trực tiếp tới chỗ bị hằn lún tại Thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) để kiểm tra thực tế.

Tại hiện trường, lớp mặt đường hằn lún vệt bánh xe đã được nhà thầu Xuân Trường cho cào đi để chuẩn bị cho thảm lại.
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra công trường đường lún nứt tại Ninh Bình cuối tuần qua.
 
Báo cáo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, ông Nguyễn Văn Trường, giám đốc DN xây dựng Xuân Trường – Nhà thầu thì công gần 60 km đường QL1 từ Ninh Bình – Dốc xây Thanh Hóa cho biết: Đơn vị thi công 60 km dọc tuyến, nhưng chỉ có 1,5 km đoạn Thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) xuất hiện hiện tượng lún vệt bánh xe.
 
Hiện nhà thầu đã cho cào xúc lớp thảm nhựa bị lún vệt bánh xe để chuẩn bị thi công trải thảm lại nhựa.
 
Đánh giá nguyên nhân, ông Trường cho biết có thể là do đoạn đường này được trải thảm vào mùa hè nên nhựa chưa đủ độ cứng, dẫn tời hiện tượng hằn lún theo vệt bánh xe.
 
Ngoài nguyên nhân thảm nhựa vào mùa hè theo tiêu chuẩn mới, đường lún còn có sự tác động của nguyên nhân khách quan do đoạn 1,5 km bị lún là nơi tập trung các nhà máy sản xuất thép, xi măng nên lượng xe chở quá tải qua lại với mật độ lớn cũng tác động không nhỏ đến việc lún đường.
 
Trong lúc chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các nhà thầu phải thi công đúng quy trình. Nếu trời mưa kiên quyết không đổ thảm nhựa.
 
Người đứng đầu ngành giao thông cũng nói rõ, đường hằn lún vệt bánh xe nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Do vậy, bản thân nhà thầu phải tự ý thức ra soát lại mọi yếu tố, thi công đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, tránh tình trạng đường làm rồi lại lún phải cào lên làm lại..
 
Bộ trưởng GTVT cũng cho biết, hiện nay tình hình khí hậu có thay đổi, tình hình tổ chức thi công, máy móc thiết bị con người và cả tải trọng xe cũng đang là vấn đề nên cần phải lưu ý.
 
Khi tiến hành thi công phải thắt chặt tất cả các khâu không theo đúng quy trình.
 
Xe quá tải được xem là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. 
 
Bộ trưởng Thăng cũng cho phép nhà thầu Xuân Trường thí điểm áp dụng công thức làm thảm bê tông nhựa của riêng mình, miễn mặt đường phải đảm bảo xử lý được tình trạng hằn lún.
 
Nếu làm rồi đường hỏng thì nhà thầu phải đền.
 
Ông Nguyễn Văn Trường cam kết sẽ cho áp dụng và đổ thảm ngay, đồng thời hứa sẽ tăng thời gian bảo hành mặt đường từ 2 năm lên 5 năm để giải quyết tình trạng lún vệt bánh xe.
 
Trước đó, tại hội thảo về thực trạng hiện tượng vệt hằn bánh tại các dự án công trình giao thông do Tổng công ty công trình giao thông 4 (Cienco 4) tổ chức, đa số các chuyên gia khoa học và doanh nghiệp liên quan đều tập trung đặt nghi vấn vào một số nguyên nhân chính như: nhiệt độ môi trường thay đổi, xe quá tải, quy trình và chất lượng thi công, chất lượng nhựa đường hoặc các thành phần cốt liệu như: cát, đá dăm…
 
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, hằn lún vệt bánh xe là vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng ở mỗi nước xuất hiện ở những mức độ khác nhau.
 
Vấn đề hiện nay là phải làm sao quản lý được theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, khảo sát thiết kế, thi công.
 
Đặc biệt phải tăng cường quản lý các nhà thầu, nhà cung ứng vật liệu, nhân lực thi công và các yếu tố đầu vào.
 
“Với tất cả những nguyên nhân, yếu tố đã được xác định từ khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường cần phải sử dụng phương pháp xử lý loại trừ dần để khắc phục trong tương lai”, Thứ trưởng Đông nói. 
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo