Tin tức - Sự kiện

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Báo cáo trước 7/5

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đối với Cục trưởng Cục đường sắt trong một văn bản mới đây.

Trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Hồng Trường cho biết, “Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu Cục trưởng Cục đường sắt phải phải gửi báo cáo toàn bộ quá trình thực hiện thẩm định và quá trình triển khai dự án cũng như tổng mức đầu tư dự án trước ngày 7/5”.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được thi công

Liên quan tới dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc bị đội vốn trên 50% khiến dư luận nghi ngại về hiện tượng bỏ thầu giá rẻ, dây dưa chậm tiến độ khiến đội giá lên cao gần 100%, Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Trường nói: Hiện Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ GTVT nghiên cứu, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, tiến hành thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Bộ đang tiến hành rà soát lại tất cả những hạng mục, nguyên nhân phát sinh tăng, đồng thời phối hợp với cơ quan tư vấn thiết kế rà soát lại thiết kế, kỹ thuật và biện pháp tổ chức thi công.

Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ của dự án, Bộ GTVT đang làm sẽ phối hợp với các Bộ ngành làm việc với phía Trung Quốc để vay thêm vốn ODA cho phần vốn tăng thêm của dự án.

Thứ trưởng Trường khẳng định “chưa thể chứng minh được hiện tượng bỏ thầu giá rẻ rồi đội vốn”. Thứ trưởng cho biết, đây là dự án đầu tiên Cục đường sắt (Bộ GTVT) thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC. Từ việc lập dự án cho tới phê duyệt, triển khai và thi công dự án là cả quá trình dài (5 năm). Thế nên, trong suốt quá trình đó dự án đã chịu tác động rất nhiều từ biến động giá cả thị trường. Do đó, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là điều bất khả kháng.

Thế nên, trong suốt quá trình đó, dự án đã chịu tác động rất nhiều từ biến động giá cả thị trường. Vì vậy, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là điều bất khả kháng.

Hơn nữa, đây là dự án được chỉ định thầu theo hình thức EPC bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của chính phủ Trung Quốc, nên giá thầu đã được tính toán từ đầu.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chia sẻ, qua dự án này, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế quản lý hợp đồng tổng thầu EPC, hiện cơ chế quản lý hợp đồng tổng thầu EPC còn thiếu nhiều những điều kiện pháp lý để ràng buộc trách nhiệm cả hai phía.

Theo thông lệ quốc tế, tổng thầu EPC chịu trách nhiệm toàn bộ về việc triển khai dự án, Chủ đầu tư chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát về chất lượng và tiến độ.

Tuy nhiên, theo quy định quản lý đầu tư xây dựng của Việt Nam, Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng và tiến độ của công trình và phải thực hiện các công việc quản lý chi tiết cho từng mục công việc.

Nhưng việc cụ thể hóa các điều khoản chi tiết cho phù hợp quy định và điều kiện chưa được xây dựng đầy đủ là nguyên nhân khiến quá trình thực hiện phát sinh nhiều tình huống phức tạp.

Hơn nữa, quy định hiện hành của Việt Nam không quy định cụ thể về nội dung quản lý và trách nhiệm của chủ đầu tư trong giai đoạn lập thiết kế kỹ thuật, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và và thiết kế bảo vệ thi công đối với hình thức hợp đồng tổng thầu EPC.

Liên quan tới vụ việc này, ngày 27/4, ông Nguyễn Hữu Thắng - Cục trưởng Cục đường sắt đã bị tạm đình chỉ do phát ngôn thiếu trách nhiệm với tư cách là chủ đầu tư, gây bức xúc trong dư luận, ông Trường cho biết.

Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch – đầu tư cùng các cơ quan liên quan làm việc với phía Trung Quốc để bổ sung nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho phần vốn tăng thêm của dự án.

Dự án khởi công vào tháng 10/2011, có tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, trong đó vay vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD.

Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC. Dự kiến tuyến đường sẽ khai thác vào tháng 6/2015.

Tuy nhiên, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và sự phối hợp thực hiện, kinh nghiệm của ban quản lý dự án và năng lực nhà thầu đã khiến dự án chậm trễ, đội vốn đầu tư.

Bộ GTVT đang chỉ đạo Chủ đầu tư phối hợp với Tư vấn thẩm tra TEDI rà soát, tính toán chi phí bổ sung của Tổng thầu đối với gói thầu EPC. Theo dự tính, biểu khái toán tổng mức đầu tư điều chỉnh là 981,9 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đó.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo