Đường sắt vận hành thử nghiệm thiết bị soát vé tự động
Cụ thể, tại ga Hà Nội sẽ lắp 6 làn với 10 cổng soát vé tự động; tại ga Đà Nẵng lắp 2 làn với 3 cổng soát vé tự động; tại ga Sài Gòn lắp 3 làn với 5 cổng soát vé tự động.
Về quy trình, đầu tiên hành khách đi tàu quét mã vé trên giấy hoặc trên màn hình điện thoại vào đầu đọc của cổng soát vé. Cổng soát vé gửi thông tin đã giải mã từ QRCode về phần mềm kiểm tra của đường sắt để kiểm tra tính hợp lệ.
Nếu vé hợp lệ, cổng sẽ tự động mở chốt cửa cho một người qua. Nếu vé không hợp lệ, sẽ không mở cổng và thông báo cho hành khách biết trạng thái qua đèn LED và âm thanh. Trong trường hợp vé hợp lệ nhưng cổng kiểm soát vé tự động không mở; nhân viên ĐS sẽ trực tiếp sử dụng mã Code được cấp để mở cổng cưỡng bức khi hệ thống lỗi hoặc gặp sự cố.
Vé hợp lệ là vé đã bán trên hệ thống, đi đúng chuyến tàu, ngày đi, ga đi, cửa vé do nhà ga quy định. Vé không hợp lệ bao gồm các trường hợp cụ thể sau: không có thông tin trên hệ thống bán vé điện tử; Vé đã đi tàu hoặc ra vào ga...
Tại các cụm cửa soát vé tự động, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ bố trí nhân viên thường trực để hỗ trợ và hướng dẫn hành khách khi thao tác soát vé tự động và hỗ trợ hành khách là người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai có nhu cầu mang vác hộ hành lý, đẩy xe lăn trong phạm vi ga…
Cùng với việc lắp đặt thiết bị soát vé tự động tại 3 ga hành khách trọng điểm, Tổng công ty ĐSVN cũng thực hiện việc tổ chức kiểm soát vé của hành khách đi tàu tại các cổng ra vào các ga: Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Nha Trang, Diêu Trì; đồng thời bãi bỏ quy định kiểm soát vé trên ke ga và tại cửa toa xe hành khách lên tàu. Trong trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ có người lên tàu không có vé hoặc sử dụng Thẻ lên tàu không hợp lệ thì nhân viên Tổ công tác trên tàu được tổ chức kiểm tra, kiểm soát lại vé.
Người đi đón, tiễn hành khách đi tàu được bố trí đợi tại các khu vực phòng đợi, sảnh các ga, bên ngoài cổng kiểm soát vé hành khách đi tàu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo