Đường sắt Việt Nam xin vay gần 4.700 tỷ mua đầu máy, toa tàu
Báo Nhân Dân dẫn tin từ Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, VNR vừa kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải đề xuất về phương án đầu tư, vay vốn tín dụng của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để thực hiện đầu tư các dự án đầu máy, toa xe mới từ nay đến năm 2020 với tổng mức đầu tư 4.658,8 tỷ đồng.
Cụ thể, VNR sẽ đầu tư 100 đầu máy mới (2.164 tỷ đồng), 150 toa xe khách (1.674,5 tỷ đồng), 300 toa xe vận chuyển container (270 tỷ đồng) và 500 toa xe có tốc độ chạy dưới 60 km/giờ (550 tỷ đồng).
Trong đó, vốn đối ứng của Tổng công ty và các Công ty cổ phân vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn là 1.397,64 tỷ đồng (chiếm 30%), số tiền còn lại 3.261,16 tỷ đồng (chiếm 70%) là vốn vay ngân hàng.
Đề cập đến hình thức vay vốn, VNR đánh giá, nếu vay vốn ngân hàng thương mại sẽ chịu lãi suất cao, thời gian vay vốn ngắn nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, trong khi lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam ổn định, thời gian vay vốn dài, doanh nghiệp có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm tiền vay.
Theo VNR, điều cản trở khiến đơn vị này khó tiếp cận nguồn vốn là các dự án của Tổng công ty không thuộc đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 5, 6 của Luật Đường sắt sửa đổi năm 2017, VNR sẽ được Nhà nước cho vay vốn với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc cấp bảo lãnh của Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật đến ngày 1-7-2018 Luật Đường sắt mới có hiệu lực.
Theo quy định của Luật Đường sắt, thay thế Luật Đường sắt 2005, có quy định niên hạn sử dụng của đầu máy, toa xe. VNR dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ thay thế dần các chủng loại đầu máy, toa xe lạc hậu kỹ thuật, công suất nhỏ để giảm chi phí giá thành bằng toa xe khách được sản xuất bằng công nghệ mới hiện đại của các nước công nghiệp phát triển vào khai thác và vận dụng trên các tuyến đường sắt tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt với các loại hình khác.
Trên cơ sở đó, để đáp ứng kịp thời việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như ngành đường sắt, VNR đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ chấp thuận để các dự án đầu tư ngành đường sắt được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Phía VNR cam kết sẽ chấp hành đầy đủ các thủ tục vay vốn nếu được Chính phủ chấp thuận, thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng theo đúng quy định của hợp đồng vay vốn.
Theo báo cáo VNR, hiện nay công ty có 294 đầu máy với 11 chủng loại, tuổi đời trung bình của các đầu máy trên 30 năm; gần 1.000 toa xe hành khách, 5.000 toa xe hàng hóa và trung bình tuổi thọ các toa tàu cũng khoảng 30 năm. Về chất lượng toa tàu khách, hiện có 994 toa tàu khách, trừ toa mới đóng xong còn toa gần nhất cũng 14 năm và thường tuổi thọ các toa là 30 năm.
VNR đặt ra mục tiêu đến năm 2021 thay toàn bộ toa xe cũ, đóng toa mới. VNR sẽ đầu tư 100 đầu máy mới bởi hiện nay có những đầu máy chi phí chênh lệch nhiên liệu trong khoảng 5 năm thì đủ mua một đầu máy khác. VNR sẽ mua 50 đầu máy và tự đóng mới 50 đầu máy còn lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo