ETF Việt Nam loay hoay gọi vốn
Gần 1 năm sau khi Thông tư 229/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục (ETF) có hiệu lực, các công ty quản lý quỹ trong nước vẫn đang tất bật trong cuộc đua cho ra đời quỹ ETF nội đầu tiên tại Việt Nam.
ETF, theo định nghĩa của Bộ Tài chính, là một loại hình quỹ mở, hình thành từ việc tiếp nhận, hoán đổi danh mục chứng khoán lấy chứng chỉ quỹ.
Với quỹ ETF, nhà đầu tư, thay vì đầu tư vào một nhóm cổ phiếu nhỏ, có thể đa dạng hóa danh mục bằng cách mô phỏng toàn thị trường hoặc một nhóm ngành mà họ tin là sẽ có tăng trưởng tốt.
Nói một cách đơn giản, đầu tư vào ETF là đầu tư vào chỉ số của ngành hoặc của toàn thị trường.
Việc chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch trên sàn chứng khoán sẽ làm tăng tính thanh khoản cho nhà đầu tư.
Không chỉ vậy, họ còn có thể “lấy lại tiền” bằng cách hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF cho công ty quản lý quỹ nếu diễn biến thị trường không thuận lợi.
Việc hoán đổi có thể thực hiện tối thiểu 2 lần trong một tháng theo quy định của Ủy ban chứng khoán nhà nước.
Thực ra, cái tên ETF không xa lạ với nhà đầu tư Việt Nam. Những năm gần đây, mỗi kỳ hoán đổi hay cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETF ngoại như Market Vectors Vietnam ETF hay FTSE Vietnam UCITS ETF chính là lúc để nhà đầu tư lướt sóng.
Market Vectors Vietnam ETF có quy mô tài sản khoảng 500 triệu USD được niêm yết trên sàn New York.
Quỹ này đầu tư khoảng 70% vào các cổ phiếu tại Việt Nam với mục tiêu mô phỏng gần nhất với diễn biến của chỉ số Market Vectors Vietnam Index.
Mặc dù bị vướng quy định tỷ lệ sở hữu của khối ngoại 49% nhưng chỉ số này vẫn được đánh giá là tham chiếu hiệu quả cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, Market Vectors Vietnam ETF đã huy động ròng được trên 103 triệu USD và giá trị tài sản ròng của quỹ tăng 7,4%.
Điều đó cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất lớn và tiềm năng tăng trưởng giá trị tài sản của quỹ này vẫn cao.
Vậy triển vọng của các quỹ ETF nội sắp ra đời thì sao?
So với hoạt động của các quỹ mở nội địa (với chiến lược đầu tư chủ động để tìm kiếm lợi nhuận vượt trội thị trường), các quỹ ETF dường như “dễ thở” hơn khi thực hiện chiến lược thụ động, nhằm mô phỏng gần nhất với chỉ số.
Các quỹ này cần ít chuyên viên phân tích đầu tư hơn, mà chủ yếu dùng phần mềm máy tính để tính toán và phân bổ nguồn lực. Do đó, chi phí nhân sự sẽ được tiết giảm.
Một ưu điểm lớn của quỹ ETF nội là không bị vướng quy định về tỷ lệ sở hữu 49% và cả nhà đầu tư nội và ngoại đều được tham gia đầu tư góp vào quỹ.
Mức phí quản lý cũng tương đối thấp, chỉ khoảng 1% so với mức phí thông thường 2% của các quỹ đóng khác.
Tuy vậy, một khó khăn lớn của các loại hình quỹ mở hay quỹ ETF nội là việc gọi vốn. Theo quy định, mức tối thiểu để lập quỹ ETF nội là 50 tỷ đồng. Nhưng làm thế nào để nhân con số đó lên mới là một thách thức lớn.
Điều này có thể thấy được qua hoạt động của các quỹ mở nội ra đời trong 1 năm qua.
Quỹ mở đầu tư trái phiếu của MB Capital Vietnam ra đời tháng 3 năm ngoái, nhưng sau hơn 1 năm, tổng giá trị tại ngày giao dịch 7/5/2014 chỉ mới 51 tỷ đồng.
Tình hình của Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược của Vietcombank Fund cũng chỉ khả quan hơn đôi chút.
Ra đời hồi tháng 11 năm ngoái, quỹ này đã tăng được tài sản ròng từ khoảng 60 tỷ đồng lên 74 tỷ đồng đến cuối tháng 4 năm nay.
Thói quen tự đầu tư và kiến thức về các sản phẩm tài chính còn hạn chế của một bộ phận nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ cũng sẽ là một trở ngại lớn đối với các công ty quản lý quỹ muốn đi vào thị trường này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo