Quốc tế

EU bỗng lúng túng với Anh sau “cơn địa chấn” Brexit

(DNVN) - Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) kể từ sau “cơn địa chấn” Brexit không đưa ra được nhiều thông điệp đối với nước Anh.

Ngày 30/6, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) kể từ sau “cơn địa chấn” Brexit không đưa ra được nhiều thông điệp đối với nước Anh khi mà lãnh đạo 27 nước thành viên EU chỉ lặp lại tuyên bố hối thúc London nhanh chóng khởi động tiến trình đàm phán rời liên minh.

 “Mối tơ vò” giờ lại bị ném sang nước Anh, dù thực tế London cũng "lực bất tòng tâm" vì Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức để nhường trách nhiệm đàm phán với EU cho người kế nhiệm của ông, sớm nhất là ngày 9/9 mới được bầu chọn.

Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU).

EU chỉ có thể yêu cầu Anh thể hiện một sự rõ ràng và dứt khoát trong kế hoạch rời “ngôi nhà chung,” tránh để liên minh rơi vào tình trạng “lấp lửng” và phải hứng chịu những bất ổn do Brexit gây ra, đồng thời để liên minh chỉ còn lại 27 nước này có thể tập trung cho tương lai của mình. Tuy nhiên, ngay cả việc đẩy nhanh "tiến trình ly hôn" giữa hai bên cũng không phải là chuyện dễ dàng. 

EU có thể hối thúc London sớm bắt đầu tiến trình đàm phán, song không được phép gây áp lực với Anh về vấn đề này. Còn nước Anh vẫn chờ người kế nhiệm Thủ tướng Cameron, và hiện chưa rõ đây sẽ là nhân vật ủng hộ hay phản đối Brexit. 

 Chính vì thế, trước mắt, Brexit đang khiến EU đứng trước nguy cơ bất ổn chính trị và hỗn loạn tài chính. “Đoàn kết” và “thống nhất” đang là cụm từ được các nhà lãnh đạo EU nhắc tới nhiều nhất. 

Bởi Brexit đang nhiều khả năng làm lan tỏa hiệu ứng “domino” sang những nước thành viên khác khi hàng loạt chính đảng ở Đan Mạch, Pháp, Hà Lan đòi tổ chức trưng cầu dân ý tương tự về tương lai của nước mình trong EU. 

Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên EU vẫn chưa thống nhất được chiến lược chung sau Brexit nhằm thúc đẩy trở lại tiến trình xây dựng một châu Âu hợp nhất, đặc biệt trong bối cảnh hai trụ cột Đức và Pháp chưa đạt được thỏa thuận nào. 

 

Cùng ngày, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã giảm 1 bậc xếp hạng tín nhiệm của Liên minh châu Âu (EU) khi cho rằng tình trạng không ổn định sẽ gia tăng sau khi người dân Anh lựa chọn quyết định rời khỏi EU (còn gọi là Brexit). 

Trong một thông báo, S&P cho biết sau khi người dân Anh bỏ phiếu cho Brexit, hãng đã xem xét lại đánh giá về sự gắn kết trong EU. 

Theo đó, S&P đã giảm mức xếp hạng tín nhiệm của EU xuống mức AA, vẫn là mức cao nhất thứ 3 trong bảng xếp hạng tín nhiệm, từ mức AA+ với triển vọng ổn định.

S&P cho rằng hãng này vẫn để mức xếp hạng tín nhiệm của EU ở mức khá cao là do hy vọng "các nước thành viên sẽ thực thi đầy đủ trách nhiệm đóng góp cho ngân sách EU". Trong năm 2016, Đức, Pháp và Anh dự kiến sẽ đóng góp lần lượt là 21%, 16% và 13% tổng ngân sách của EU.

Nên đọc
Thu Phương (Theo BBC)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo