Quốc tế

EU mở hội nghị lớn về giải quyết khủng hoảng nhập cư

(DNVN) – Hội nghị lớn họp bàn về việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu được nhiều người quan tâm đã diễn ra ngày hôm nay 14/9 với sự tham gia của 27 lãnh đạo các nước thành viên tại Brussel, Bỉ.

Hôm nay, lãnh đạo các nước thành viên của Liên minh châu Âu EU đã mở hội nghị lớn tại Brussel để tìm ra giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư – vấn đề khiến nhiều nước thành viên đau đầu và rơi vào tình trạng hỗn loạn gần đây.

Thách thức tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu kéo dài đã trở nên bế tắc hơn khi nước duy nhất mở cửa đón nhận nhiều người tị nạn nhất là Đức đã đưa ra tuyên bố gây sốc rằng Đức không thể nhập cư thêm người tị nạn nào nữa. 

Chính phủ Đức đưa ra tuyên bố gây sốc khi thắt chặt kiểm soát đường biên giới và cấm người tị nạn nhập cư vào Đức (Ảnh: AFP)
Chính phủ Đức đưa ra tuyên bố gây sốc khi thắt chặt kiểm soát đường biên giới và cấm người tị nạn nhập cư vào Đức (Ảnh: AFP)

Tán thành với hành động này của Đức, bộ trưởng bộ nội vụ Anh Theresa May cũng cho rằng châu Âu nên đưa ra một mức hạn ngạch chuẩn đối với mỗi nước về tiếp nhận số lượng người nhập cư tùy thuộc theo kinh tế và diện tích lãnh thổ của nước đó. Bà Theresa May cho rằng, đây là cách duy nhất để ngăn dòng người tị nạn đang đổ xô về châu Âu trong tháng vừa qua.

Chính phủ Đức cho biết lãnh thổ của Đức đã không đủ để cung cấp cho số lượng người tị nạn áp đảo đang ngày càng tăng nên chính phủ đã phải đưa ra quyết định mới này.

Hiện nay, tất cả các chuyến tàu xe chở người tị nạn từ Áo tới Đức đã bị cấm hoạt động. Chỉ có công dân EU và những người ngoài khu vực có chứng từ hợp lệ mới được phép đi qua biên giới của Đức.

 

Nhiều người tị nạn vẫn chưa biết về quyết định mới của Đức và vẫn tiếp tục cuộc hành trình đến nước này (Ảnh: AFP)
Nhiều người tị nạn vẫn chưa biết về quyết định mới của Đức và vẫn tiếp tục cuộc hành trình đến nước này (Ảnh: AFP)

Bà Theresa May cũng đổ lỗi cho một vài chính phủ các nước trong khu vực khi đã “phá hỏng hệ thống kiểm soát người nhập cư vào châu Âu”, nhất là đối với vụ việc 71 thi thể trong thùng xe tải được tìm thấy ở Áo, và hàng trăm vụ chìm tàu, thuyền khác trên biển. Bộ trưởng bộ nội vụ Anh cho rằng, nếu kiểm soát đường biên giới trên bộ và trên biển gắt gao hơn, người tị nạn đã không dám liều mình như vậy để đổ xô về châu Âu.

 

Hiện lãnh đạo các nước EU vẫn chưa đưa ra được bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề này. Thủ tướng Áo, Werner Faymann đề nghị rằng nếu hội nghị ngày hôm nay không đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào thì sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với ép buộc của Đức và Anh là đưa ra một mức hạn ngạch về tiếp nhận số lượng người nhập cư đối với mỗi nước thành viên.

Ông Feymann cũng nói thêm Áo và Đức là hai nước đã đón nhận nhiều dân tị nạn nhất cũng như chi ra một phần lớn ngân sách quốc gia để đảm bảo cuộc sống cho người tị nạn nhập cư trong khi đó một số nước khác vẫn không hề cho thấy dấu hiệu nào của việc mở cửa đường biên giới. Do đó, ông cũng đề nghị EU sẽ đưa ra một mức phạt đối với các nước từ chối chia sẻ gánh nặng nhập cư ở châu Âu.

Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố rõ ràng rằng Anh sẽ không tham gia vào kế hoạch phân phối 160,000 dân tị nạn quanh khu vực Italia, Hy Lạp và Hungary của Ủy ban châu Âu. Ông cho biết, Anh đã nhận 20,000 người tị nạn Syria từ các trại tị nạn trong khu vực, nếu Anh còn nới lỏng thêm nữa sẽ chỉ khuyến khích người tị nạn kéo đến nhiều thêm, do đó số người còn lại sẽ do chính phủ ba nước trên tự giải quyết.

Quyết định đóng cửa đường biên giới của Đức đối với người tị nạn đã gây sốc cho nhiều người và đánh một đòn nghiêm trọng vào hệ thống kiểm soát đường biên giới chung châu Âu Schengen mà các nước thành viên đã đưa ra trước đó. Anh cho rằng, Anh không tham gia vào hệ thống này nhưng vẫn ủng hộ quyết định của Đức. Nhiều nhà lãnh đạo khác cho rằng: “Bằng cách đóng cửa đường biên giới với Áo, rõ ràng chính phủ Đức đã nhận ra sai lầm của mình với những hành động mở cửa trước đó. Điều này càng chứng tỏ được rằng hệ thống Schengen của châu Âu sẽ không thể tồn tại được lâu”.

Hiện giờ, hội nghị lớn tìm ra giải pháp đối với vấn đề được nhiều người dân châu Âu và thế giới quan tâm vẫn chưa đưa ra được thống nhất cụ thể nào khi các nhà lãnh đạo EU đưa ra nhiều quan điểm và ý kiến trái chiều nhau. 

 

Hồng Đinh Minh (Theo The Guardian)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo