EVN còn dám chối trách nhiệm?
Cơn lũ vượt đỉnh lịch sử hoành hành các tỉnh miền Trung vừa rút đi thì chiều 17/11 một cơn lũ mới lại ập về, gây nên tình trạng lũ chồng lũ.
Lũ chồng lũ
Cơn lũ mới ập về dâng cao trên dòng sông Vệ, sông Trà Câu (Quảng Ngãi) vượt mức báo động 3 hơn 1 m, tiếp tục gây ngập sâu hàng nghìn nhà dân ở các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ.
Trận lũ mới uy hiếp các khu dân cư ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn hai địa phương này, chiều tối 17 đến sáng 18/11, nước lũ tiếp tục dâng cao trở lại do các huyện vùng cao có lượng mưa lớn kéo dài.
Bí thư huyện ủy Tư Nghĩa, bà Bùi Thị Quỳnh Vân lo ngại: "Trận lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân, giờ chưa kịp khắc phục hậu quả thì đợt lũ mới lại tràn về sẽ gây thêm nhiều khốn khó cho dân", VnExpress dẫn lời bà Vân cho biết.
Hai ngày qua, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to phổ biến 60-100 mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như Hải Tân (Quảng Trị) 125 mm. Mưa lớn làm 22/59 hồ chứa thủy lợi miền Trung - Tây nguyên xả tràn, các hồ khác đạt 60-85% dung tích.
Lúc 6h ngày 16/11 đã có 15 hồ thủy điện xả lũ, trong đó 9 hồ xả lũ với lưu lượng lớn hơn 400 m3/s như Bình Điền (Thừa Thiên-Huế) 654 m3/s; Sông Tranh 2 (Quảng Nam) 2.352 m3/s.
Nhiều người dân ở Quảng Nam cho rằng nguyên nhân nước lũ lên nhanh là do thủy điện xả lũ bất ngờ.
Ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) bức xúc: "Khoảng 10h ngày 15/11, tôi nhận được thông báo thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ. Tuy nhiên, đến 14 giờ cùng ngày, thì nước lũ đổ về dữ dội. Khi có mưa lớn, các thủy điện xả lũ ồ ạt. Người dân chúng tôi ở hạ du không trở tay kịp”, báo Thanh niên đưa tin.
Ông Xuyên kiến nghị, các thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia, trước khi xả lũ cần phải cấp báo cho địa phương để kịp thời di dời người dân.
Được biết, vào ngày 15/11, thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ qua tràn với lưu lượng lên đến 3.900 m3/s.
Ông Đoàn Ngọc Tiến (57 tuổi, trú tại thôn Nông Sơn 2, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) cho rằng lũ lên nhanh, đột biến với mức 60 cm trong 1 giờ, là do thủy điện cấp tập xả lũ.
Bà Nguyễn Thị Bích Sinh, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) cho biết, nhiều người dân sống hơn 40 năm cũng chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nước lũ đổ về hãi hùng như thế.
Lý giải nguyên nhân, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn TP.Đà Nẵng cho hay: Hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên đa phần dung tích nhỏ nên xảy ra tình trạng mùa khô thì không trữ nước được bao nhiêu để cứu hạn cho hạ du, còn mùa lũ thì xả dồn dập gây ra tình trạng lũ chồng lũ.
EVN chối trách nhiệm
Để dân rơi vào tình trạng, chưa khắc phục xong hậu quả lũ trước đã phải chạy lũ sau. Thế nhưng, EVN lại khẳng định do các hồ trực thuộc vận hành hồ chứa theo đúng quy trình đơn hồ và liên hồ, chủ động điều tiết kết hợp với công tác điều hành phối hợp vận hành khai thác các nguồn điện hợp lý nên “đã giữ được an toàn hồ đập, không gây tác động xấu tới hạ du”.
Thông tin trên được nhắc tới trong bản báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh tháng 10/2013 và 10 tháng đầu năm của EVN.
Mặc dù trước đó, nhiều ý kiến cho rằng EVN phải chịu trách nhiệm trong nhiều vụ xả lũ. Mới đây nhất, ngày 2/10/2013, người dân hạ nguồn thủy điện A Vương hốt hoảng tháo chạy khi thấy nước từ trên đầu nguồn đổ ào xuống.
Ông Phan Đức Tính, phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết chính quyền cũng phải gấp rút truyền loa để trấn an người dân.
Phó giám đốc Công ty Thủy điện A Vương Lê Đình Bản thì nói: đơn vị cũng hết sức mệt mỏi để giải thích cho nhân dân vùng hạ du của nhà máy là đập A Vương không hề bị vỡ.
Dù không vỡ đập, song một số khu vực ở huyện miền núi Nông Sơn bị ngập nước do thủy điện ở đầu nguồn sông Thu Bồn xả nước.
Cũng trong sáng 2/10, nhiều địa phương của huyện Phước Sơn (Quảng Nam) bị ngập lũ nặng và bị cô lập.
Tại thủy điện Đắk Mi 4 cũng mở 5 cửa xả lũ, đổ nước về sông Đắk Mi (thượng nguồn sông Vu Gia) với lưu lượng 2.000m3/s, trong khi nước về hồ 2.300m3/s. Hơn 7.000 học sinh cũng được cho nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội cho rằng, trong việc xả lũ EVN không thể tránh khỏi trách nhiệm.
Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến cũng khẳng định thủy điện thời gian qua gây tác động lớn, trong đó, không loại trừ thủy điện của EVN.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo