Thị trường

EVN dựng “rào cản” hiểm hóc khiến thủy điện nhỏ khốn đốn

Có DN chỉ được EVN mua với giá 400- 500 đồng /kWh, bán ra bình quân 1.506 đồng /kWh. Xây nhà máy nhưng lại phải chi tiền “gấp đôi” để làm đường dây truyền tải điện?!

Mới đây, người đứng đầu ngành điện lại gây “sốc” khi tuyên bố “xanh rờn”, “đến năm 2015, giá điện sẽ chỉ tăng, không giảm” do phải gánh một phần bù lỗ chênh lệch tỷ giá của các năm trước. Giới chuyên gia đã lập tức phản pháo chỉ ra những nghịch lý trong kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đặc biệt là “chiêu bài” áp đặt, dựng “rào cản” hiểm hóc “chặn” nhà đầu tư thủy điện nhỏ để giữ “ngôi ...độc quyền”.

 

Chết mòn vì bị chèn ép: Nghịch lý chồng nghịch lý

 

Theo phân tích của các chuyên gia, do chưa có một thị trường tiêu thụ điện cạnh tranh nên khâu tiêu thụ sản phẩm của khu vực này vẫn đang ở thế phân phối và bao cấp. Thực tế, các doanh nghiệp đầu tư thủy điện nhỏ hầu hết theo mô hình tư nhân nên luôn phải chịu sự “ghẻ lạnh”, mang thân phận “con nuôi” khi phải đương đầu với “con đẻ” của EVN. Khi thiếu điện, họ còn có đất dụng võ, đến lúc thừa thì họ sẽ là đối tượng bị “chèn ép” không thương tiếc.

 

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân đầu tư thủy điện (đề nghị giấu tên) khu vực Tây Bắc bức xúc: “Không chỉ bị ép giá, chúng tôi còn bị hạn chế công suất phát, thậm chí, xây dựng xong còn bị EVN “làm cao” không mua vì… thiếu lưới truyền tải”.

 

Đại diện doanh nghiệp này phân tích, trong mối quan hệ giữa bên bán là chủ đầu tư thủy điện nhỏ và bên mua EVN luôn tồn tại sự bất công bằng. Bên bán muốn được sống chỉ còn cách duy nhất là “cam chịu” bán cho EVN bằng mọi giá. Công ty Truyền tải điện quốc gia được thành lập vẫn thuộc EVN, thực chất chỉ là “bình mới rượu cũ”, EVN vẫn nắm độc quyền”.

 

“Chưa dừng lại ở đó, các chủ đầu tư muốn được cấp phép xây dựng phải chịu sự ràng buộc về giá cũng như phương thức mua bán điện với EVN. Chúng tôi buộc phải ký hợp đồng mua bán điện với giá “bèo bọt”, chỉ 400 – 500 đồng /kWh, hiếm hoi lắm mới được 700 đồng /kWh, trong khi giá thủy điện trung bình hiện nay khoảng 800 – 900 đồng /kWh.

 

Các doanh nghiệp phải giữ giá bán cố định trong 25 năm, bất kể mức lãi suất ngân hàng, lạm phát và các chi phí liên quan khác không ngừng tăng cao?!. Làm thế khác nào “chèn ép” không cho chúng tôi ngóc đầu lên?. Họ mua với giá 500 đồng /kWh, bán ra bình quân 1.506 đồng /kWh, họ thì lãi lớn, còn chúng tôi ngày càng “chết mòn”, vị này lên tiếng.

 

Bên cạnh đó, theo thống kê từ năm 2009 - 2011, giá bán điện của EVN được Chính phủ cho phép tăng lên 31%, trong khi giá mua điện của EVN với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn “giậm chân tại chỗ” suốt thời gian dài. EVN vẫn đang được mua điện với giá thấp hơn so với giá điện bình quân”, ông này nói.

 

Không chỉ chậm trễ về mặt thủ tục, các chủ đầu tư còn phải tuân theo những quy định như nhà máy vận hành theo điều độ của EVN; chủ đầu tư chịu trách nhiệm xây dựng lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia (!?). Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Sỹ Dinh, phó TGĐ Công ty phát triển năng lượng Sơn Vũ cho biết: “Để làm đường dây 110 kV, chiều dài 25 km đấu vào hệ thống lưới điện quốc gia, chúng tôi phải chi 40 tỷ đồng”.

 

Cũng theo tiết lộ của ông Dinh, riêng năm 2011, Công ty của ông đã phải tốn 900 triệu đồng chỉ cho việc quản lý, vận hành hệ thống truyền tải này. Tuy vậy, nhiều lúc vẫn bị hạn chế công suất giờ cao điểm, thậm chí có lúc phải dừng máy do EVN sửa lưới. “Với cách khống chế này, thực chất là rào cản đối với các nhà đầu tư. Rất ít doanh nghiệp dám đầu tư sản xuất điện vì thị trường quá mạo hiểm, kém hấp dẫn”, vị này nói.

 

Còn cơ chế xin – cho, thủy điện nhỏ sẽ “ra rìa”

 

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích, thủy điện nhỏ là loại hình đã được xã hội hóa đầu tư cả chục năm nay.

 

Trong suốt thời gian qua, không thể phủ nhận các nhà đầu tư thủy điện nhỏ đã giúp EVN một lượng công suất lớn. Mặc dù thị trường phát điện cạnh tranh hoạt động từ ngày 1/7, tuy nhiên, theo quy định của Bộ Công thương, chỉ thủy điện từ 30 MW trở lên mới được tham gia buôn bán. Trong khi đó, đa số thủy điện nhỏ đều có công suất dưới 30 MW, vậy họ sẽ bán cho ai?. Tương lai, thủy điện nhỏ có thể bị cho “ra rìa”.

 

Ông Ngãi cũng dẫn chứng nghịch lý đang khiến các nhà đầu tư thủy điện nhỏ “kêu như vạc”. Trên thực tế, giá thủy điện đã tăng, giá bán lẻ của EVN cũng không ngừng tăng nhưng giá mua điện từ các thủy điện nhỏ vẫn “giậm chân tại chỗ”. “Điều chỉnh bao nhiêu, thời gian nào? Vấn đề này vẫn chưa được quy định chính xác. Điều này đang hình thành cơ chế xin – cho giữa các nhà đầu tư với EVN”, ông Ngãi đặt câu hỏi.

 

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, giám đốc nhà máy thủy điện Đ.K (thuộc Tổng công ty Công trình Giao thông 4, Bộ Giao thông) cho hay: “Có thể các nhà đầu tư thủy điện miền Bắc “kêu” bị “chèn ép”, chứ thực tế đơn vị chúng tôi trong Nam “quan hệ” khá tốt với Tổng Công ty điện lực Miền Nam trực thuộc EVN. Giá bán điện cho EVN cũng khá xông xênh ở mức 800 đồng /kWh”. Rõ ràng, ngay trong chính bản thân các thủy điện cũng tồn tại sự bất công bằng. Các đơn vị đối tác được EVN mua với mức giá khác nhau tùy vào “quan hệ” và độ “ưu ái” (!?). Cơ chế xin – cho, lót tay liệu có tồn tại ở đây?

 

Ông Hoàng Minh Tuấn, chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Tiến cũng cho biết, đơn vị ông đã đầu tư thủy điện 50 MW, từ năm 2011 đến nay giá điện đã tăng nhiều lần nhưng EVN hưởng tất. “Tình hình đầu tư thủy điện giờ cực kỳ khó khăn, chẳng mấy ai lãi. Mỗi lần đàm phán với EVN là một lần cực khổ. Nếu điện cất hoặc để dành được thì tôi đã đem về nhà cất rồi”, ông Tuấn tâm sự.

 

Đại diện doanh nghiệp này cũng nhận định, thị trường phát điện cạnh tranh dù chính thức hoạt động từ ngày 1/7 nhưng thực tế chỉ là lý thuyết, vì “làm gì có thị trường mà cạnh tranh”.

 

Các nhà đầu tư thủy điện nếu không bán cho EVN thì chẳng biết bán cho ai. Không những thế, Bộ Tài chính đang đánh thuế tài nguyên nước với thủy điện theo giá điện mà EVN bán cho người dân, hiện nay lên tới 1.369 đồng /kWh. “Trong khi chúng tôi bán điện cho EVN là giá bán buôn, trung bình chỉ đạt 866 đồng /kWh. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”, vị này nói.

 

Được Nhà nước ưu đãi nhiều hơn nhưng giá bán cho Nhà nước lại đắt hơn

Trong buổi họp báo ngành điện vừa tổ chức, “ông chủ nhà đèn” đã tuyên bố, đến năm 2015, giá điện sẽ chỉ tăng, để bù lỗ ít nhất là 26.000 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá. Theo đó, giá điện tại Việt Nam sẽ vào khoảng 9,31 cent/kwh (khoảng trên 2.000 đồng /kWh).

Một nghịch lý khác cũng được một vị giám đốc công ty thuỷ điện nhỏ dẫn chứng: Đang tồn tại đằng sau “thương vụ” mua bán giữa các nhà đầu tư với EVN. Trong khi ép các nhà đầu tư phải bán điện với giá thấp (3,5 – 3,7 cent/kWh), EVN lại mua điện từ các dự án “con đẻ” của họ với giá cao hơn, khoảng 4,1 - 4,5 cent/kWh. Hơn nữa, các dự án do EVN đầu tư đều ở quy mô lớn, được ưu đãi tối đa về vốn vay cũng như lãi suất. Đó là điều không công bằng, thể hiện sự phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp. Điều này khác gì EVN “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.


Theo NĐT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo