EVN "khoe" thoái vốn ngoài ngành, báo công có thêm điện
Sau 1 năm Thủ tướng yêu cầu thoái vốn ngoài ngành, EVN đã công bố những động thái đầu tiên trong việc thoái vốn khỏi ngân hàng và các công ty điện lực. Việc thoái vốn ngoài ngành của EVN phải được hoàn thành vào năm 2015.
Thoái vốn 252 tỷ đồng
Ngày 20/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến ngày 11/12/2013, đã chuyển nhượng thành công 25,2 triệu CP ABBank cho GELEXIMCO với giá trị 252 tỷ đồng.
So với thời điểm trước khi chuyển nhượng (EVN giữ 102.056.018 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 21,27% vốn điều lệ của ABBank), đến nay EVN nắm giữ 76.856.018 cổ phiếu, tương đương 16,02% vốn điều lệ của ABBank.
Cùng ngày, EVN cũng cho biết, đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ trên 63 triệu cổ phiếu, chiếm 30,55% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Thủy Điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) và hiện không trực tiếp sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của VSH.
EVN cũng đã bàn giao hết 19,05 triệu cổ phiếu, chiếm 30% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà (TBC).
Việc thoái vốn ngoài ngành của EVN đã được Thủ tướng yêu cầu từ cuối năm 2012, cho đến năm 2015 phải hoàn thành việc thoái vốn tại 6 doanh nghiệp: Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình, Công ty cổ phần chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện lực Việt Nam ... bảo đảm EVN có cơ cấu hợp lý, tập trung mọi nguồn lực cho ngành nghề kinh doanh chính.
Được biết, EVN đang đứng đầu bảng nợ của các ngân hàng trong nước, khi vốn đều đã vượt quá hạn mức tín dụng đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng với dư nợ là 144.000 tỷ.
Vừa qua, ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) lại ký thỏa thuận hợp tác song phương với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT (đơn vị thành viên của Tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN) về hợp đồng tín dụng trị giá 3.200 tỷ đồng, tài trợ vốn cho dự án đường dây 500kV Sơn La - Lai Châu và mở rộng trạm biến áp Sơn La.
Trước đó, tháng 7/2013, Vietcombank đã làm đầu mối thu xếp 14.500 tỷ đồng vốn vay thương mại cho dự án thủy điện Lai Châu.
Trước đó, trong báo cáo tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phẩn, vốn góp của nhà nước Chính phủ trình Quốc hội số nợ phải trả của 127 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là gần 1,35 triệu tỷ đồng.
Trong đó, Tập đoàn Dầu khí 124.499 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực 103.194 tỷ, Tổng công ty Hàng hải 31.681 tỷ… được coi là những đơn vị có số nợ lớn nhất.
Báo doanh số khủng, năm sau có thêm điện
Mới đây, trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cũng thông báo năm 2014 sẽ có thêm 3.482 MW điện.
Theo đó, trong tổng số 3.482 MW nguồn điện được bổ sung trong năm 2014 thì miền Bắc có 1.738 MW, miền Trung có 354 MW, miền Nam có 1.270 MW.
Vừa qua ông Lê Tuấn Phong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: “Với khả năng đầu tư vào nguồn điện và lưới điện như hiện nay, trong năm 2014, nhìn chung EVN cùng các doanh nghiệp phát điện khác sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt”.
Đồng thời thông báo, trong tháng 11, doanh thu bán điện của EVN đạt tới 14.602 tỷ đồng, tăng 16,16% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng, con số này lên tới 157.000 tỷ đồng, tương đương 7,38 tỷ USD, tăng hơn 21% so với 2012.
Động thái báo doanh số khủng của EVN, thoái vốn tại Ngân hàng An Bình, 2 công ty cổ phần thủy điện và cam kết có thêm hàng nghìn KW điện, cung cấp đủ điện cho năm 2014 sau báo cáo tài chính năm 2012 nợ phải trả của EVN là 103.194 tỷ khiến dư luận đặt nghi vấn EVN đang "dọn đường" cho thưởng tết. Hiện vẫn chưa có thông tin gì về thưởng Tết của Tập đoàn này.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo