Tin tức - Sự kiện

EVN khuyên dân "sống chung với lũ": Bộ TNMT thừa nhận

Thủy điện không có khả năng cắt lũ, "quy trình vận hành liên hồ” không phải bùa hộ mệnh....

Hồ thủy điện ở Nhà máy thủy điện Ialy xả lũ - Ảnh: TTO.

Bộ TNMT: Nói lại, thủy điện không cắt được lũ!

Ông Bẩy cho biết, Bộ TNMT đang xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa mùa lũ, trong đó có yêu cầu bắt buộc chủ hồ thủy điện phải dành dung tích cố định chống lũ cho hạ du.
 
Sở dĩ có quy trình mới này xuất phát từ thực tế vận hành hồ chứa mùa lũ năm 2013 còn nhiều bất cập. Thủy điện mùa cạn tích nước, mùa lũ xả lũ khiến lũ chồng lũ người dân hạ du điêu đứng.
 
Cùng chung tiếng nói với EVN và Bộ Công thương trước đó ông Bẩy nói lại một lần nữa: "Tôi phải thừa nhận, đúng thật là thủy điện không có khả năng cắt được lũ. Đối với Tây Nguyên, Miền Trung có thể chỉ cần một trận lũ nhỏ cũng đạt đỉnh, nếu đặt mục tiêu hồ chứa phải có dung tích phòng lũ cố định là bất khả kháng. Vì dung tích hồ chứa hiện nay so với tổng lượng lũ là quá nhỏ".
 
Ông Bảy trấn an, nếu thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ mới các trận lũ lớn với các lưu vực lớn có thể giảm được 1m nhưng cũng có khi chỉ là 50 phân.
 
"Theo tôi chỉ cần giảm được 10 phân là tốt lắm rồi, chúng ta không nên coi "quy trình vận hành liên hồ” là bùa hộ mệnh. Quy trình vận hành liên hồ mùa lũ chỉ giải quyết hài hòa các vấn đề cơ sở hạ tầng chúng ta đang có để giảm được lũ chung", ông Bảy cho hay.
 
Thực tế từ trước tới nay, người dân luôn trông chờ và kỳ vọng thủy điện sẽ xả lũ, cắt lũ bởi khi lập dự án thủy điện luôn luôn nêu sẽ tham gia cắt lũ nên việc được phê duyệt rất nhanh. Song khi vào thiết kế, thực hiện thì chủ đầu tư chỉ quan tâm tới lợi ích của họ.
 
Chỉ đến khi ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN nói thẳng: “Chúng ta không kỳ vọng gì thủy điện sẽ cắt được lũ cho hạ du. Không bao giờ cắt được! Sẽ còn lũ tiếp diễn. Chúng ta phải chấp nhận sống chung với lũ”.
 
Ngay cả ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương cũng khẳng định như vậy. Ông Quân khẳng định thêm một lần nữa là thủy điện miền Trung không cắt được lũ.
 
Nghe tin "thủy điện không chống lũ" này, người dân có cảm giác như bị lừa. Sự lật lọng" trắng trợn của các thủy điện khiến dân tình ngã ngửa, nhưng đến cả cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TNMT và Bộ Công thương cũng đã nói như vậy thì nghĩa là người dân nên chắc chắn tâm lý đừng kỳ vọng gì EVN sẽ cắt được lũ, nước dâng cao bất ngờ sẽ tiếp diễn và người dân phải chấp nhận sống chung với lũ…
 
Ai chịu trách nhiệm khi quy hoạch?
 
Theo GS Nguyễn Ngọc Lung, xét về chức năng, các nhà máy thủy điện cỡ vừa và cỡ lớn phải có chức năng chống lũ thông qua hệ thống hồ chứa và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xả lũ.
 
Hồ chứa, giống như một chương mục tiết kiệm ở ngân hàng để cất giữ tiền dư cho những lúc thiếu hụt, hồ chứa dùng để tích trữ lượng nước thừa trong mùa mưa lũ và sử dụng khi cần thiết trong mùa khô hạn.
 
Ngoài tích nước cho thủy điện phát điện, hồ chứa còn nhiệm vụ điều tiết nước, cung cấp nước cho nông nghiệp, chống lũ... Bất kỳ một hồ chứa lớn nào, không nhiều thì ít, cũng có khả năng điều tiết dòng nước bằng cách tích nước dư thừa trong mùa mưa để tăng cường dòng chảy trong mùa khô hạn.
 
Tuy nhiên lợi ích cục bộ của một nhà máy thủy điện đôi lúc mâu thuẫn với chức năng căn bản của một hồ chứa.
 
Trở lại quy trình xả lũ của hồ Vực Mẫu tháng 10/2013, dưới áp lực của bão số 10, kèm mưa đặc biệt lớn, Vực Mẫu đã phải xả lũ với lưu lượng 1.000 m3/s xuống vùng hạ du đã gây ngập úng nghiêm trọng.
 
Và đứng trước thực tế đã có 41 người chết, 5 người mất tích và 74 người bị thương do mưa lũ. Mưa lũ cũng làm đổ, sập, trôi 410 ngôi nhà; tốc mái, hư hỏng 1.271 ngôi nhà và ngập 425.573 ngôi nhà. Đó là chưa kể về những hậu quả sau này khi lũ đã cuốn sạch giống lúa, rau màu, cây trồng vật nuôi trong trận lũ cuối năm 2013.
 
Nhưng cuộc tranh cãi thủy điện xả lũ gây hại cho dân ai phải chịu trách nhiệm vẫn chỉ là cuộc tranh cãi không có hồi kết. Đặc biệt, trách nhiệm phê duyệt quy hoạch thủy điện thì không một đơn vị, cơ quan nào nhắc tới.
 
Tại cuộc họp, ông Bẩy một lần nữa nhấn mạnh, hồ Vực Mẫu là những hồ thuộc Bộ NN&PTNT quản lý, không nằm trong danh mục vận hành liên hồ Thủ tướng phê duyệt.
 
Theo ông Bẩy, có 61 hồ thủy điện, thủy lợi ở Việt Nam sẽ hoạt động theo quy trình vận hành liên hồ chứa. Khoảng 7.000 hồ khác vận hành theo quy trình đơn hồ do Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương quản lý.
 
Với 61 hồ thủy điện này, ngoài năm hồ thủy điện đã có dung tích phòng lũ như thiết kế ban đầu, 57 hồ còn lại không có dung tích phòng lũ. Vì thế, trong quy trình vận hành liên hồ chứa đã ban hành hay đang xây dựng quy định, các hồ chứa này phải dành một dung tích nhất định khi mưa lũ về.
 
Tuy nhiên, Bộ TNMT cho rằng cái khó của mình chính là ở phía chủ hồ và Bộ Công thương vì họ không ủng hộ nên Bộ TNMT gặp rất nhiều khó khăn.
 
Về phía Bộ Công thương, ông Quân thẳng thắn phủ nhận: "Ngay từ ngày xưa trong quy hoạch thủy điện Bộ Công nghiệp phê duyệt cũng không bao giờ đưa câu thủy điện tham gia cắt lũ hay điều tiết mà chỉ nói là giảm thôi. Còn nếu nói cắt lũ thì phải là cắt bao nhiêu %".
 
Nói như vậy chẳng khác nào bảo thủy điện tham gia cắt lũ, giảm lũ cũng chỉ là cho “đẹp dự án” với mục đích cao đẹp cho việc phê duyệt được nhanh hơn thôi? Chứ lũ tại ông trời, không ai phải chịu trách nhiệm?
 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo