EVN năng xin lỗi chuyện nhỏ, chuyện lỗ có quên?
Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hanoi) vừa ra thông cáo xin lỗi và mong khách hàng thông cảm, chia sẻ vì mất điện trên diện rộng.
Năng xin lỗi
Giải thích sự cố mất điện tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội tối 18/5, EVN Hà Nội cho biết, lý do vì cơn mưa lớn kèm dông sét đã gây ra sự cố lưới điện 2 lộ đường dây 110kV trạm biến áp 110kV Chèm.
Sự cố xảy ra từ lúc 17h25 tới 18h tối các khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và một phần khu vực Cầu Giấy đã được khắc phục.
Cho đến 20h30, EVN Hanoi vẫn phải tiếp tục nỗ lực kiểm tra, khắc phục sửa chữa, thay thế các thiết bị để cấp điện cho một số khu vực còn lại thuộc quận Cầu giấy, Từ Liêm, Hà Đông, Sóc Sơn, Sơn Tây.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến 23h30 đêm 18/5, điện mới có trở lại ở hầu hết các điểm bị mất điện.
Sự cố xảy ra đã làm gián đoạn việc cung cấp điện, EVN Hanoi trong cuối bản thông cáo đã nói lời “thành thật xin lỗi” và mong khách hàng thông cảm, chia sẻ.
Năm 2013, EVN Hà Nội cũng từng lên tiếng xin lỗi vì sự cố tương tự.
Do nhu cầu sử dụng điện quá tải trong những ngày nắng nóng, một số khu vực trên địa bàn Thủ đô đã mất điện cục bộ. Tổng công ty điện lực Hà Nội vừa đưa ra lời xin lỗi và cam kết "không cắt điện khi thời tiết trên 36 độ C".
Tại diễn biến liên quan, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, năm 2014, EVN có 3 mục tiêu cơ bản là đảm bảo đủ điện để phát triển kinh tế xã hội; đầu tư điện theo dơ đồ điện VII trong đó chú trọng các dự án cung cấp điện cho miền Nam và tái cơ cấu lại Tập đoàn.
“Thời gian qua, Tập đoàn điện lực EVN đã bị mất niềm tin nên giờ đây chúng tôi sẽ xây dựng lại niềm tin của người dân, từ đó người dân sẽ tin Đảng, tin Chính phủ" - Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh khẳng định.
Đầu tư thua lỗ, BĐS bỏ không...
Công cuộc lấy lại niềm tin của EVN, theo ông Thanh sẽ được thể hiện rất rõ ràng trong năm 2014 với việc minh bạch các khoản chi phí giá điện, từ nguồn điện, giá truyền tải, chi phí quản lý, trả lương…. Ngoài ra, EVN sẽ tiến tới tối ưu hóa lao động thông qua nâng cao năng suất lao động và nâng cao chất lượng điện năng.
Ông Thanh cũng cho biết thêm, năm 2013, cả công ty mẹ của Tập đoàn lãi khoảng 120 tỉ đồng, sau khi nộp thuế 25%, còn lại 50% để lại cho đầu tư phát triển. Phần dư còn lại (25%) được nộp trích cho các quỹ phúc lợi khen thưởng.
Thế nhưng, câu trả lời về nguồn vốn thua lỗ do đầu tư ngoài ngành, BĐS bỏ không... hiện vẫn đang bỏ ngỏ.
Thông tin mà Thanh tra Chính phủ vừa đưa ra về con số thua lỗ của EVN khiến dư luận choáng váng. Cụ thể, theo kết luận thanh tra, tính hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư ngoài ngành trên 121.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỷ đồng.
Việc EVN đầu tư ra ngoài ngành vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm nghìn tỷ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà còn lỗ đến 2.195 tỷ đồng.
Những con số này cho thấy việc đầu tư ngoài ngành của EVN không hề mang lại hiệu quả, thậm chí còn "biếu không" các đơn vị khác cả chục nghìn tỷ đồng.
Ở lĩnh vực bất động sản, EVN đang đầu tư hơn 103 tỷ đồng.
Mới đây, Thủ tướng đã ra công văn kiên quyết yêu cầu EVN dừng đầu tư ngoài ngành với bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo