EVN sẽ tự quyết định giá điện: nên hay không?
Dự thảo Quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện, đang được Bộ Công thương lấy ý kiến nhân dân. Theo dự thảo này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn toàn được tự quyết định tăng giá ở mức 2-5%. Điều này đã gây ra nhiều ý kiến bất đồng.
Theo dự thảo, trong trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá thành điện kế hoạch làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành với mức từ 2-5% và trong khung giá quy định thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi được Bộ Công thương chấp thuận. Khi thông số đầu vào biến động trên 5% hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định thì EVN báo cáo Bộ Công thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định.
Trong vòng 5 ngày, kể từ khi nhận được tờ trình của EVN, Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định và gửi ý kiến đến Bộ Công thương. Bộ Công thương trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt sau 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính. Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công thương trình Thủ tướng mà chưa có ý kiến trả lời, cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%. Việc tăng giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu 3 tháng.
Theo những quy định trong dự thảo, có thể dễ dàng nhận thấy, nếu chỉ điều chỉnh ở mức 2-5%, EVN hoàn toàn có thể tự mình quyết định, việc thông báo với Bộ Công thương chỉ là hình thức. Và như vậy, nếu tính về mặt thời gian được phép điều chỉnh, cứ 3 tháng một lần, một năm EVN sẽ được phép tăng giá điện 4 lần. Như vậy, số phần trăm tăng giá điện trong vòng một năm không hề nhỏ.
Điều đáng nói ở đây là, theo dự thảo này, EVN được trao quyền điều chỉnh giá điện mà chỉ cần thông báo với cơ quan chủ quản, trường hợp trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công thương trình Thủ tướng mà chưa có ý kiến trả lời, cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%. Điểm này, theo các chuyên gia sẽ là một kẽ hở để EVN hoàn toàn tự quyết định điều chỉnh giá điện ở mức dưới 5%. Bởi, thiên hạ đã từng chứng kiến việc Bộ Công thương và Bộ Tài chính nhiều lần nâng lên đặt xuống đề xuất tăng giá điện của EVN, và lần nào cũng vậy, do cân nhắc kỹ lưỡng nên tốn rất nhiều thời gian. Vậy nhưng, quy định chỉ trong vòng 15 ngày, nếu chưa có kết luận của cơ quan chủ quản, EVN hoàn toàn tự quyết định điều chỉnh giá điện ở mức như dự thảo nêu, quy định như vậy chả khác nào cho phép EVN "cứ tăng giá điện đi”.
Nói như vậy là bởi, trước đến nay, chưa khi nào giá điện được điều chỉnh giảm. Như đã thành điệp khúc, năm nào cũng thấy EVN kêu lỗ. Kể cả trong năm 2012, dù có nhiều thuận lợi về thời tiết cũng như đã tăng giá điện bán lẻ hai lần, nhưng rút cục, EVN vẫn nói rằng: số lãi có được do tăng giá bán lẻ điện của năm 2012 cũng chỉ đủ để bù cho số lỗ của những năm trước.
Mới đây nhất, EVN lại có thông tin rằng, nguy cơ mùa khô sẽ thiếu điện. Theo EVN, tình hình cung cấp điện cho miền Nam căng thẳng do năm 2013 không có nguồn phát điện mới đưa vào vận hành. Chính vì thế, dự kiến, EVN sẽ phải huy động khoảng 1,113 tỷ kWh bằng nguồn điện dầu FO và DO cho mùa khô 2013 với chi phí giá thành cao hơn nhiều so với nhiệt điện than, khí.
Một lần nữa điệp khúc kêu "khó”, kêu "khổ” lại được lặp lại. Và dường như sau mỗi lần kêu khó, kêu khổ, một lộ trình tăng giá lại được đặt ra.
Điểm qua một vài dữ liệu nói trên để thấy, nếu như quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện được thực hiện đúng như những gì đưa ra trong dự thảo, thì không khác nào trao quyền tự quyết cho EVN. Đó còn chưa kể, trong dự thảo không hề nhắc đến yếu tố ràng buộc để buộc EVN phải giảm giá điện khi giá thành chi phí đầu vào sản xuất điện giảm. Một chuyên gia trong ngành đã thẳng thắn nhận định: Dự thảo này đang tạo cơ chế "mở” cho EVN, để EVN tăng giá mà không yêu cầu đơn vị này giảm giá, rõ ràng nhìn những gì mà dự thảo đưa ra, lợi ích của EVN vẫn được đặt cao hơn lợi ích của người dân và xã hội.
Minh Trí (Theo ĐĐK)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ông Trần Chí Cường làm Trưởng Ban chỉ đạo phát triển ngành logistics Đà Nẵng
Doanh nghiệp Pháp muốn đầu tư vào hạ tầng giao thông tại Long An
Đề xuất giải pháp phát triển cảng biển khu thương mại tự do Đà Nẵng
Hướng nghiệp sớm, hình thành đội ngũ lao động trẻ có tay nghề cao
An Giang bàn giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế
EVNCPC triển khai chương trình ‘Tháng tri ân khách hàng 2024’
Cột tin quảng cáo