FDI năm 2012 và những bài học
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), năm 2012 nước ta thu hút 13,013 tỷ USD vốn FDI đăng ký, bằng 84,7% so với cùng kỳ 2011. Ước tính các dự án vốn FDI đã giải ngân được 10,46 tỷ USD, đạt mục tiêu đề ra 10-11 tỷ USD.
Mặc dù tổng vốn FDI thu hút năm qua không đạt mục tiêu 15-17 tỷ USD, nhưng xét kỹ trong cơ cấu đầu tư, lượng vốn và hiệu quả sử dụng vốn… sẽ thấy nhiều điểm sáng.
Vẫn có điểm sáng…
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, đến 15/12/2012 cả nước có 1.100 dự án mới được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,85 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2011, lượng vốn này chỉ bằng 64,9%. Tuy nhiên, có 435 lượt dự án đăng ký tăng thêm 5,15 tỷ USD vốn; dù chỉ tăng 7,4% về số dự án tăng vốn, nhưng số vốn tăng 58,5% so với cùng kỳ năm 2011, cho thấy gia tăng về chất các dự án tăng vốn. Chứng tỏ chủ đầu tư các dự án tăng vốn này đặt niềm tin nhiều hơn vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Hơn thế, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu hướng tới việc nâng cao chất lượng đầu tư, lượng vốn giải ngân năm nay đạt mục tiêu đề ra, giảm ít so với năm 2011 (11 tỷ USD), nhưng cao hơn so với lượng vốn thực hiện bình quân năm trong thời kỳ 2007-2011 (10,31 tỷ USD). Đây là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.
Cạnh đó, xét về cơ cấu vốn đầu tư cũng có nhiều điểm khả quan. Nếu năm 2011, công nghệ chế biến, chế tạo chiếm khoảng 64% trong tổng vốn FDI thì năm nay chiếm 69,9% (9,1 tỷ USD) tổng vốn đăng ký.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản vươn lên đứng thứ 2 với 10 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn mới và tăng thêm là 1,85 tỷ USD, chiếm 14,2% vốn FDI đăng ký năm 2012. So với năm 2011, FDI vào bất động sản năm nay rất tích cực, nhất là trong bối cảnh thị trường này đang đóng băng (năm 2011 chỉ chiếm 5,8% trong tổng vốn đăng ký 14,7 tỷ USD).
Bên cạnh đó, một điểm sáng nữa là xuất khẩu, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng xuất khẩu năm qua chủ yếu dựa vào tăng trưởng của khu vực FDI: Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu khí) năm 2012 ước đạt 73,4 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính chung cả năm 2012, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 13,07 tỷ USD.
Việt Nam cần thu hút vốn FDI vào ngành công nghệ cao, nhưng phải có chọn lọc (Ảnh:DĐĐT)
FDI thấp: không bi quan, hướng tới hiệu quả
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, năm 2012 có 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với 5,13 tỷ USD, chiếm 39,5%. Singapore đứng thứ 2 với 1,72 tỷ USD, chiếm 13,3%. Tiếp đến là các quốc gia khác như: Hàn Quốc (1,17 tỷ USD), Samoa (907,8 triệu USD), British VirginIslands (788 triệu USD)...
Về địa bàn đầu tư, hiện Bình Dương đang dẫn đầu thu hút vốn FDI 2,53 tỷ USD, chiếm 19,5%. Hải Phòng đứng thứ 2 với 1,16 tỷ USD, chiếm 9%. TP HCM đứng thứ 3 với 1,116 tỷ USD. Tiếp theo là Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Ninh với vốn đăng ký lần lượt là 1,115 tỷ USD; 1,111 tỷ USD và 1,105 tỷ USD.
Đáng chú ý, có một số dự án lớn được cấp phép trong năm 2012 là: Khu đô thị Tokyu Bình Dương do Nhật Bản đăng ký đầu tư 1,2 tỷ USD; Dự án tăng vốn mở rộng sản xuất thêm 870 triệu USD của Wintek Việt Nam tại Bắc Giang và dự án của Samsung Electronics Việt Nam tại KCN Bắc Ninh vốn là 830 triệu USD.
Đồng thời, dự án của công ty sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam tại Hải Phòng mức vốn 574,8 triệu USD. Còn dự án Công ty LIXIL Việt Nam tại Đồng Nai mức vốn 441 triệu USD…
Các ví dụ điển hình này phần nào chứng minh rằng, cho dù lượng vốn FDI năm qua không được như mong đợi, nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư bỏ lượng lớn vốn vào môi trường sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Đây là những động lực quan trọng góp phần giải quyết việc làm, tăng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu…
Liên quan đến vấn đề thu hút vốn FDI, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, thu hút FDI cần phải trúng và đúng. Nếu tập trung vào phi sản xuất hay bất động sản như thời gian qua chưa tốt, mà cần vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là công nghệ cao. Thống đốc dẫn chứng năm 2012, xuất khẩu tăng cao chủ yếu do khu vực vốn FDI, ví dụ như riêng Samsung, lượng xuất khẩu đã đóng góp khoảng 10 tỷ USD…
Như vậy, thay vì thu hút ồ ạt vốn đăng ký với lượng lớn, nhưng giải ngân thấp, thì cần khoảng cách hẹp giữa vốn đăng ký và vốn thực giải ngân, và cần sự tăng trưởng bền vững hơn.
Rõ ràng, nhìn vào các chỉ số FDI của năm 2012, so với mục tiêu đặt ra đầu năm và so với nhiều năm qua, những con số năm 2012 không ấn tượng. Nhưng trong chiến lược thu hút FDI, điều đó không đến mức bi quan. Bởi chúng ta đang cần kiên định mục tiêu thu hút FDI có chất, đạt hiệu quả thực góp sức cho nền kinh tế phát triển bền vững. Do đó, chỉ thực sự đáng lo và bi quan khi chúng ta quá đề cao dẫn đến lệ thuộc nhiều vào dòng vốn FDI, mà kém quan tâm chăm lo thúc đẩy nền sản xuất của các doanh nghiệp vốn nội và thị trường trong nước; coi nhẹ việc thúc đẩy nền sản xuất 100% vốn nội nhưng tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn.
Đặc biệt, như ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch-Tổng Giám đốc Investconsult Group, cảnh báo: lâu nay do nóng vội, nước ta kỳ vọng một cách chủ quan, đặt chỉ tiêu một cách chủ quan và kết quả là có nhiều dự án vốn FDI lớn đã đăng ký mà không triển khai được, gây ra không ít thiệt hại. Hơn nữa, trong dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể có rất nhiều cái bẫy về xâm hại môi trường; hủy hoại, lãng phí tài nguyên; bãi thải công nghệ lạc hậu; vấn đề tài chính…
Thảo Nguyên (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững