FDI Trung Quốc mang lao động tràn lan: Không thể không biết!
Thu hút FDI, nhưng mang công nghệ thấp nó sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế, làm giảm khả năng cạnh tranh...
Liên quan tới câu chuyện lao động Trung Quốc tràn lan tại các dự án FDI của nước này tại Việt Nam, luật sư Trần Hữu Huỳnh – Nguyên Phó Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh “ông không hướng tới một đối tượng, hay quốc gia cụ thể nào”.
Tuy nhiên, mục đích thu hút FDI, Việt Nam luôn phải đặt ra 3 mục tiêu: Thứ nhất, là thu hút vốn; thứ hai là tăng khả năng liên kết, chuyển giao công nghệ cao; thứ ba, nâng cao năng lực quản trị.
Tất cả các dự án FDI đều hướng đến cả 3 mục tiêu trên. Các dự án FDI Trung Quốc tại Việt Nam cũng không được là ngoại lệ, phải tuân thủ những quy định này”.
Nhưng, thực tế lại có những dự án vốn rất lớn, còn thiết bị công nghệ lại lạc hậu, chủ yếu sản xuất gia công đơn giản. Chúng ta không mong muốn điều này, nhưng do điều kiện của chúng ta chưa thể sản xuất với công nghệ cao được, do đối tác nước ngoài không đủ năng lực đầu tư vào ngành công nghệ cao, do đó buộc chúng ta phải sử dụng lao động gia công đơn giản với hy vọng sẽ bứt phá, chuyển sang giai đoạn sản xuất,chế biến sâu hơn.
Thứ hai, có vốn lớn, có công nghệ cao nhưng mong muốn của chúng ta là có nhiều doanh nghiệp liên doanh Việt Nam và nước ngoài để được học tập công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp. Rất tiếc là điều này vẫn chưa thực hiện được.
Nhiều DN có vốn lớn, có công nghệ cao nhưng hầu hết đều là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, tất nhiên là sẽ không có chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị, chỉ có người làm thuê Việt Nam.
Thu hút FDI, Việt Nam không cần lao động phổ thông
PV:- Thưa ông, báo cáo của các sở LĐ&TBXH nhiều tỉnh thành đều cảnh báo tình trạng lao động Trung Quốc tràn lan trong các dự án FDI của nước này ở Việt Nam… Hiện tượng này thể hiện bất cập gì trong chính sách thu hút FDI Việt Nam?
LS Trần Hữu Huỳnh: - Từ báo cáo của các sở Lao động TB&XH các địa phương cho thấy, tình trạng các doanh nghiệp FDI Trung Quốc đưa lao động sang Việt Nam đã xảy ra rất nhiều và cũng đã khá lâu rồi, không chỉ là ở các dự án FDI mà còn ở các dự án đấu thầu quốc tế . Vậy thì, chúng ta phải xem các quy định của pháp luật có cho phép không.
Theo tôi biết, quy định của pháp luật Việt Nam về sử dụng lao động nước ngoài là tương đối chặt chẽ, rõ ràng.
Trong chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn khẳng định ưu tiên sử dụng nguồn lao động trong nước. Điều này không có gì mâu thuẫn với những cam kết quốc tế.
Theo đó, chúng ta chỉ sử dụng lao động nước ngoài tại các dự án FDI, các gói thầu quốc tế khi lao động trong nước không thể đáp ứng được yêu cầu chuyên môn cũng như quản lý.
Thứ hai, trong một vài trường hợp đặc biệt, có thể cho phép một số trường hợp lao động làm việc dưới 3 tháng thì không phải xin giấy phép lao động. Tuy nhiên, với những trường hợp này cũng phải đáp ứng được một số yêu cầu cụ thể và chủ yếu áp dụng cho các chuyên gia, xử lý các yêu cầu đặc biệt về kỷ thuật .
Như vậy, chính sách của Việt Nam thể hiện rất rõ là không khuyến khích thu hút lao động nước ngoài làm công việc lao động phổ thông, đơn giản. Một trong những mục đích thu hút dự án FDI của Việt Nam là giải quyết việc làm cho địa phương, chứ không phải thu hút lao động nước ngoài. Với bất kỳ lao động nước nào cũng phải thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc này.
Nhưng nếu một số dự án FDI Trung Quốc lại mang cả lao động nấu ăn, bốc vác là không tuân thủ đúng quy định pháp luật.
PV: - Vậy, tại sao lại có một “ngoại lệ Trung Quốc" tồn tại nhiều năm như vậy, thưa ông?
LS Trần Hữu Huỳnh:- Đây là việc thực hiện pháp luật tại các dự án FDI không nghiêm, thiếu sâu sát, có khi e ngại sợ ảnh hưởng thu hút đầu tư, sợ ảnh hưởng tới thành tích, hoặc vướng phân định được thẩm quyền… Như vậy, vấn đề chính ở đây vẫn là chất lượng quản lý.
Chúng ta phải có chính sách bảo vệ lao động trong nước bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt những quy định pháp luật.
Chỉ cần khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, tức là số lượng lao động nước ngoài có quá nhiều mà chỉ là lao động phổ thông, đơn giản, chúng ta đã hoàn toàn có quyền kiểm tra và xử lý. Không thể có chuyện không biết, không kiểm tra được.
Đe dọa tính bền vững
PV:- Được hưởng nhiều ưu đãi, lại mang cả công nghệ (chủ yếu là công nghệ lạc hậu), lao động phổ thông… vào Việt Nam. Ông có lo ngại doanh nghiệp Trung Quốc sẽ “giết chết” các doanh nghiệp sản xuất trong nước?
LS Trần Hữu Huỳnh: - Khi thu hút FDI, chính sách của Việt Nam là tạo mọi điều kiện thuận lợi, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau. Nhưng, bên cạnh những chính sách ưu tiên trong thu hút FDI thì nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Thông qua đó, doanh nghiệp Việt Nam phải được hưởng lợi qua khai thác chuỗi liên kết, các giá trị gia tăng, những người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi qua chất lượng sản phẩm, dich vụ cao mà các FDI mang lại.
Nhưng thu hút FDI, mà lại mang công nghệ thấp thì nó sẽ ảnh hưởng tới nền sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế, làm giảm khả năng cạnh tranh quốc gia.
PV:- Từ thực tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu và thị trường Trung Quốc, dễ dàng thấy, sức ép từ phía Trung Quốc với nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Ông có thể phân tích, mối nguy nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc đang ở cấp độ nào?
LS Trần Hữu Huỳnh: - Thứ nhất, đa dạng hóa quan hệ thương mại là một yêu cầu tất yếu trong điều kiện hội nhập sâu và như vậy bắt buộc nền kinh tế của chúng ta phải có tính độc lập cao, năng động lớn.
Thứ hai, đa dạng quốc tế phải trên cơ sở phát huy được năng lực nội tại ở trong nước.
Thứ ba, đa dạng là để thu hút được các phương thức quản trị kinh tế, doanh nghiệp khác nhau, thu hút được các công nghệ tiên tiến phù hợp từ các quốc gia khác nhau.
Để làm được như vậy thì Việt Nam cũng phải nâng cao năng lực quản trị trong nước, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.
Nhưng thực tế, từ những báo cáo về tình trạng nhập siêu của chúng ta, trong đó tỉ lệ nhập siêu chủ yếu từ Trung Quốc, điều này cho thấy lợi nhuận thu được từ việc xuất siêu sang một số quốc gia khác chỉ đủ để bù vào nhập siêu từ Trung Quốc. Đó là điều không bình thường.
PV:- Theo ông, nếu không dần thoát khỏi sự phụ thuộc như trên thì hậu quả sẽ như thế nào thưa ông? Việt Nam cần phải làm gì để tránh được hậu quả đó?
LS Trần Hữu Huỳnh: - Chủ trương của chúng ta là chủ động liên doanh, liên kết, hội nhập sâu rộng để phát triển đất nước mà không được phụ thuộc vào một quốc gia nào.
Nếu phụ thuộc thì sẽ mất thế chủ động. Liên kết trên thế chủ động, giữ sự độc lập trong thế chủ động hội nhập, vì sự phồn vinh đất nước.
Về chính sách của chúng ta, tôi chưa bao giờ nghe nói về việc phụ thuộc. Nhưng, nếu nhận thấy trong thực tế đang có dấu hiệu phụ thuộc thì phải có giải pháp để điều chỉnh kịp thời, kiên quyết.
Theo tôi hiểu, hiện Việt Nam đang thực hiện chính sách đa dạng hóa mối quan hệ kinh tế, thương mại, ngoại giao, văn hóa để phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện đời sống …
Tôi cho rằng đó là hướng đi phù hợp.
- Xin cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Cột tin quảng cáo