Thị trường

FDI từ Nhật Bản: Miếng bánh ngon nhưng phải biết cách ăn

Nhật Bản đang đứng đầu trong số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của luồng vốn FDI từ Nhật Bản, cũng như xuất nhập khẩu giữa hai nước không ngừng tăng lên đã mở ra cơ hội kinh doanh cho các DN Việt. Làm gì để tiếp tục thu hút và giữ chân các nhà đầu tư Nhật Bản đang là bài toán đặt ra cho Việt Nam trong khi còn có nhiều địa điểm đầu tư cận kề hấp dẫn không kém như Thái Lan, Malaysia, Indonesia...?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dòng vốn FDI từ Nhật tăng trưởng mạnh

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng: Vài năm trở lại đây, dòng vốn FDI từ Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ: năm 2012 là 5,59 tỷ USD (cao nhất từ trước đến nay) và 11 tháng đầu năm 2013, FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam đạt 5,682 tỷ USD (chiếm 27,3% tổng số FDI đăng ký tại Việt Nam). Lũy kế tính đến hết tháng 11/2013, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam lên tới 34.526 triệu USD với 2.103 dự án.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút vốn đầu tư đăng ký lớn nhất (29,049 tỷ USD, chiếm 84,14% tổng số FDI đăng ký tại Việt Nam), tiếp đến là ngành kinh doanh bất động sản với 1,4 tỷ USD. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đầu tư vào nhiều ngành nghề quan trọng khác như: xây dựng, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, vận tải kho bãi, nông lâm thủy sản và đặc biệt là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Không chỉ đứng đầu về số dự án và số vốn đầu tư mà chất lượng và tiến độ các dự án đầu tư của Nhật Bản cũng luôn ở mức cao, đã cam kết là thực hiện và thực hiện nhanh.

Mặt khác, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại song phương lớn thứ 3 của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, Việt Nam là đối tác xếp thứ 17 về xuất khẩu hàng hóa và thứ 15 về nhập khẩu hàng hóa. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản đạt 24,7 tỷ USD trong năm 2012, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 13,1 tỷ USD, nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 11,6 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2013 sẽ đạt 29 tỷ USD.

Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu kinh tế giữa hai nước là sự bổ sung lẫn nhau và ít cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là thủy sản, dệt may, dầu thô, cáp điện, than đá, đồ gỗ... Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu là những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp và một số sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao nhưng chưa sản xuất hoặc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng đặc thù trong nước như: thiết bị máy móc, phụ tùng, chất dẻo nguyên liệu, máy vi tính và linh kiện, nguyên phụ liệu dệt may - thuốc lá, sắt thép các loại... Cán cân thương mại song phương giữa hai nước tương đối cân bằng.

Môi trường đầu tư còn nhiều hạn chế

Theo một báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) nghiên cứu 4.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại châu Á – châu Đại Dương: Có hơn 250 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy: 69,5% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh trong 1-2 năm tới. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức 57,8% ở khu vực. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề đối tác chưa hài lòng về Việt Nam như cơ sở hạ tầng kém phát triển, thủ tục hành chính rườm rà tốn nhiều thời gian và chi phí với hệ thống văn bản pháp luật không rõ ràng...

Ông Takashi Fujii, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam khuyến nghị: “Chính phủ Việt Nam cần tạo một đường dây nóng hoặc thư điện tử cho nhà đầu tư Nhật Bản làm đầu mối giải quyết việc cấp giấy phép trong thời gian nhanh nhất có thể. Bởi lẽ thủ tục hành chính là nỗi sợ lớn nhất của các công ty Nhật Bản khi đầu tư vào đây”. Nhiều doanh nghiệp đầu từ Nhật Bản cũng đồng tình với ý kiến trên khi cho rằng, rất đáng tiếc là môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn tồn tại cơ chế “xin, cho”, đặc biệt là khái niệm “chạy” (“chạy” dự án, “chạy” thầu...) làm khó cho doanh nghiệp nói chung và nhà doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.

Sự dùng dằng trong việc cải thiện những tồn tại này không chỉ dẫn tới hiệu quả đầu tư thấp mà nguy cơ bỏ lỡ cơ hội đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản là rất lớn khi còn có nhiều địa điểm đầu tư hấp dẫn cận kề không kém như Thái Lan, Malaysia, Indonesia...

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo