Gà chết ngổn ngang chợ Hà Vỹ: Người có trách nhiệm lên tiếng
Tính đến nay dịch cúm gia cầm đã lan ra 16 tỉnh. Nguy cơ dịch bùng phát khắp cả nước là rất cao. Tuy nhiên theo khảo sát tại chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc, người mua, người bán vẫn rất lơ là.
Chiều 18/2, khảo sát của PV tại chợ Hà Vỹ, chợ gia cầm lớn nhất miền bắc, tình trạng gà chết, ốm đầy chợ. Không những thế, vì gà ốm được bán giá rẻ hơn nên vẫn có khách mua.
Song khi được hỏi, chủ các ki ốt đều tỏ ra thản nhiên trước dịch cúm H5N1 đang bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, chủ một ki ốt cho biết: “Tất cả đây là gà Việt Nam, do thời tiết nên gà bị chết là điều bình thường chứ dịch cúm gia cầm chưa có ở chợ. Chúng tôi tiếp xúc với gà hằng ngày có bị làm sao đâu nên nếu có dịch thật thì chúng tôi mới là người chết trước tiên”.
Lý giải về tình trạng gà chết, ốm đầy chợ, ông Lê Xuân Viết, Trưởng ban quản lý chợ Hà Vỹ cho hay: Chợ không có tình trạng gà ốm. Gà vào chợ đều được kiểm soát chặt chẽ, còn việc gà chết có thể là do quá trình vận chuyển. Với gà chết chúng tôi đều cho thu gom, tiêu hủy ngay.
“Hiện nay chợ tăng cường vệ sinh phòng dịch phun thuốc một tuần hai lần, đóng cửa chợ mỗi tháng một lần để tổng vệ sinh, đồng thời cấp thêm cho mỗi hộ kinh doanh một kg thuốc để tiêu độc khử trùng. Tại cổng chợ luôn có lực lượng trực chốt 24/24. Mỗi ngày chợ cung cấp 30-40 tấn gà nhưng cho đến thời điểm này chưa phát hiện trường hợp gia cầm nào nhiễm cúm ở chợ”, ông Viết cho hay.
Về việc gà chết ốm không được thu gom, tiêu hủy trong chợ Hà Vỹ, trao đổi với PV Infonet ông Nguyễn Đình Đảng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: Ban quản lý chợ Hà Vỹ và cơ quan chuyên môn đã có hướng dẫn cụ thể cho các hộ kinh doanh thứ nhất phải kinh doanh gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, gia cầm phải khỏe mạnh, có tiêm phòng dịch đầy đủ; thứ hai là trong quá trình vận chuyển về chợ với số lượng lớn, mật độ cao khi gà chết có nguyên nhân từ thời tiết, dẫm đạp, thì phải tách riêng. Chỉ bán gà khỏe mạnh và phải phân loại gà chết, ốm yếu để xử lý. Nếu cơ quan chuyên môn nghi ngờ gia cầm có biểu hiện của bệnh phải yêu cầu thu gom, tiêu hủy xử lý ngay .
Tuy nhiên trong quá trình tuyên truyền, hướng dẫn thì một số hộ kinh doanh thực hiện còn hạn chế, nhiều khi vì lợi nhuận nên phân loại để bán tận thu. Một số hộ chấp hành không tốt đã được Ban quản lý, cơ quan chuyên môn thường xuyên nhắc nhở.
"Bên cạnh đó, mỗi tuần, mỗi tháng chúng tôi đều cho lấy mẫu kiểm tra kể cả những con gà có biểu hiện ốm yếu, khật khừ, chết. Nếu nghi ngờ cho tách riêng hoặc lấy mẫu đi kiểm tra ngay. Còn nếu xác định gà chết do dẫm đạp, ốm yếu thì yêu cầu chủ hàng phân loại không bán lẫn lộn. Hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm đang được triển khai rất ráo riết. đặc biệt là chợ gia cầm Hà Vỹ, nơi buôn bán gia cầm số lượng lớn".
"Từ tháng 1/2014 đến nay, để giám sát lưu hành virut cúm gia cầm, Chi cục Thú y đã lấy 400 mẫu Swabs để xét nghiệm, cũng rất may chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virut trên đàn gia cầm".
Ông Đảng cũng khẳng định, nếu phát hiện chợ Hà Vỹ có cúm sẽ có những biện pháp mạnh để xử lý như tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tùy vào mức độ để xác định thời gian đóng cửa chợ trong bao lâu.
Tính đến ngày 19/2, cả nước có 64 ổ dịch cúm gia cầm tại 16 tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Vĩnh Long.
InforNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo