Chứng khoán

Găm sẵn ngàn tỷ ăn ‘hàng nóng’ của nhà nước

Gần 400 doanh nghiệp (DN) đang chuẩn bị bán bớt cổ phần nhà nước nắm giữ,. Rất nhiều trong đó là các DN lớn, cổ phiếu có giá được các nhà đầu tư mong chờ. Một cơ hội đầu tư lớn đang đến khiến nhiều đại gia không thể bỏ qua.

Đường khó đã mở

Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – vừa có quyết định tái cơ cấu. Theo đó, từ nay đến 2015, SCIC sẽ thoái vốn tại 376 DN, trong đó có vài chục DN đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), Hà Nội (HNX) và UPCOM. Những tên tuổi lớn như: Vinaconex VCG (255,3 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 2.700 tỷ đồng), Nhựa Bình Minh BMP (gần 1.000 tỷ đồng), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong NTP (gần 1.000 tỷ đồng), Tập đoàn Bảo Việt BVH (hơn 900 tỷ đồng), Tập đoàn FPT (hơn 800 tỷ đồng) đều có tên trong danh sách.
 
Bên cạnh đó, một số cái tên trên sàn cũng khá nổi tiếng thuộc diện thoái vốn khác như: Traphaco - TRA (gần 800 tỷ đồng), Vĩnh Sơn Sông Hinh - VSH (hơn 700 tỷ đồng), Nhựa Rạng Đông - RDP, Nhiệt điện Phả Lại (PPC)...
 

Một lượng cổ phiếu lớn sẽ được SCIC bán ra.

Tổng số cổ phiếu trên sàn mà SCIC đang nắm giữ lên đến hàng trăm triệu đơn vị, với trị giá cả chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng số cổ phiếu mà SCIC đang nắm giữ ở 5 DN cực lớn là VCG, BVH, FPT, BMP và NTP đã có giá trị lên tới 6.000 tỷ đồng.
 
Trong số các DN chưa niêm yết mà SCIC sẽ thoái vốn, có một số khoản đầu tư lớn như vào các công ty Nhiệt điện Hải Phòng và Nhiệt điện Quảng Ninh (tổng mệnh giá 874 tỷ đồng), Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam VEIC, Bảo vệ Thực vật An Giang, Công ty Đầu tư Bảo Việt - SCIC, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Ngân hàng Hàng hải…
 
Việc SCIC tái cơ cấu với cả tỷ cổ phiếu sẽ được bán dần ra thị trường được đánh giá sẽ có tác động rất mạnh tới thị trường chứng khoán (TTCK).
 
Theo đó, nếu các cổ phiếu tốt được Nhà nước bán ra sẽ tạo cung hàng nhiều hơn cho các tổ chức trong và ngoài nước. Những cổ phiếu hết “room” ngoại, nếu Chính phủ nới room trong thời gian tới, thì nguồn hàng từ SCIC sẽ cần thiết để đáp ứng cho khối này. Ở chiều ngược lại, lượng cung quá nhiều, nhất là các cổ phiếu yếu kém, có thể khiến TTCK vốn chưa thực sự hút dòng tiền trở lại, sẽ rơi vào tình trạng cung vượt cầu.
 
Đua gom hàng nóng
 
Việc phê duyệt đề án tái cơ cấu SCIC trên thực tế đã được giới đầu tư và nhiều chuyên gia mong đợi, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn còn ngân sách quốc gia thiếu hụt.
 
Chủ trương thoái vốn tại các DNNN đã được đề xuất rất nhiều lần. Sự hiệu quả của hàng loạt các DN được cổ phần hóa và cổ phiếu được giá như Cơ điện lạnh (REE), Vinamilk (VNM), FPT… trong nhiều năm qua đã chứng minh cho điều này.
 
Một số chuyên gia gần đây kêu gọi Nhà nước nên bán bớt cổ phiếu tại DN ở những ngành không thiết yếu (thậm chí bán cả cổ phần ở những đơn vị đang hoạt động hiệu quả như Vinamilk) để có nguồn giải quyết những khó khăn hiện tại, đồng thời giúp DN có điều kiện kêu gọi thêm cổ đông mới.
 
Đại gia săn đón nhiều cổ phiếu lớn.
 
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người cũng lo lắng tình hình chung của thị trường chưa thuận lợi. Những DN kém vẫn sẽ bị hắt hủi, trong khi DN tốt có thể bị bán với giá thấp vì TTCK vẫn đang èo uột và nhu cầu thoái vốn trở nên cần thiết. Việc giám sát thoái vốn ồ ạt ở hàng trăm DN cũng là điều không hề dễ dàng và dễ xảy ra những rủi ro.
 
Trên thực tế, không phải cổ phiếu nào SCIC đang nắm giữ cũng hút giới đầu tư. Nhiều phiên đấu giá bán vốn của các DN OTC gần đây không có người mua.
 
Các nỗ lực thoái vốn chậm chạm tại các tập đoàn, tổng công ty trong nhiều năm gần đây như: 5 lần thoái vốn bất thành cổ phiếu Chứng khoán Hòa Bình (HBS) của Handico; vụ EVN gặp khó khi thoái vốn tại ABBank; Vinacomin vật vã khi thoái vốn khỏi Bảo hiểm SHB-Vinacomin… đã cho thấy điều này.
 
Ở chiều ngược lại, cũng có không ít các DN trong và ngoài sàn đang hấp dẫn và được nhiều NĐT lớn phục kích để mua ở mức giá hợp lý.
 
Vinaconex là một trong những DN gặp khá nhiều khó khăn trong vài năm gần đây do vướng vào đầu tư dàn trải. Tuy nhiên, đây vẫn là một DN lớn trong lĩnh vực xây. Phần vốn hơn 255 triệu cổ phần mà SCIC đang nắm giữ tại DN này (tương đương gần 58%) từng được Tập đoàn Viettel đề cập mua lại từ năm 2009 nhưng SCIC chưa phản hồi.
 
Với Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh cũng có nhiều NĐT lớn thèm muốn bởi đây là 2 DN nhựa hàng đầu Việt Nam hoạt động rất hiệu quả. Thực tế, đại gia ngoại PCL đã liên tục gia tăng cổ phần tại Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh đã thực sự khiến nhiều người lo ngại về tương lai của ngành nhựa trong nước.
 
Còn với các DN ngoài sàn, lo ngại còn ở chỗ, sự thiếu minh bạch về thông tin có thể khiến cho các cổ phiếu tốt bị bán ở mức giá thấp. Trong bối cảnh Nhà nước thoái vốn nhiều, rất có thể đây sẽ là cơ hội cho những ông lớn trong nước, nhất là khi gần đây có nhiều điều chỉnh trong chính sách thoái vốn Nhà nước. SCIC được quyền hạ giá khởi điểm khi bán đấu giá không thành công; đấu giá bán cả lô đối với các DN thuộc đối tượng bán hết vốn Nhà nước và bán thấp hơn mệnh giá đối với các DN thua lỗ nhằm thu hồi tối đa phần vốn Nhà nước đã đầu tư…
 
Trong khi đó, các vụ các đại gia giấu mặt bỏ hàng nghìn tỷ để mua cổ phần nhiều ngân hàng gần đây là minh chứng cho thấy sự giàu có của một bộ phận không nhỏ các cá nhân trong nước. Và giới đầu tư này chắc hẳn không thể bỏ qua cơ hội này.
VietnamNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo