Gần 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho giao thông trong 5 năm tới
Nguồn tin từ Bộ Giao thông vận tải, ngày 19/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với Bộ này về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác giai đoạn 2011-2015, phương hướng công tác giai đoạn 2016-2020.
Tại buổi làm việc, báo cáo Phó thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, bước sang giai đoạn 2016–2020, Bộ Giao thông sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT; tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông với mục tiêu chung trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 5% - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hàng năm; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, đường thuỷ nội địa, xe ô tô kinh doanh vận tải.
Liên quan đến việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Trường cho biết giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến sẽ đầu tư phát triển thêm khoảng 1.524 km để đến hết năm 2020 sẽ có khoảng 2.270 km đường cao tốc. Để có thể triển khai được các dự án và hoàn thành được mục tiêu phát triển hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia như trên, giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 5.150 tỷ đồng để đối ứng cho các dự án ODA và tối thiểu 25.000 tỷ đồng vốn góp từ NSNN cho các dự án BOT, PPP.
Với lĩnh vực đường sắt, Thứ trưởng Trường nhấn mạnh nhu cầu vốn để thực hiện mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 là rất lớn, vào khoảng 227.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, căn cứ vào khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước và dự kiến phương án xã hội hóa đầu tư đối với một số dự án tiềm năng để thực hiện đầu tư trong giai đoạn đến năm 2020, chỉ xác định nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án, công trình quan trọng như cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM để nâng cao tốc độ chạy tàu 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50-60 km/h đối với tàu hàng và nâng cao năng lực thông qua trên toàn tuyến, đáp ứng 25 đôi tàu/ngày đêm; Thực hiện công tác giải tỏa hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn 5 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Hải Phòng Đà Nẵng, TP HCM, Biên Hòa - Đồng Nai).
Về hàng không, Bộ GTVT sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ và Cam Ranh; huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Các lĩnh vực khác như đường thủy nội địa, hàng hải cũng sẽ được Bộ GTVT tập trung đầu tư. Cụ thể, đường thuỷ sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính, ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối vùng đồng bằng Sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh, các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình.
Về hàng hải, sẽ ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại và có phương án khai thác hiệu quả các khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu, khuyến khích đầu tư nước ngoài phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.
Với mục tiêu nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 vào khoảng hơn 955 nghìn tỷ đồng. Trong số này, gần 348 nghìn tỷ đồng dự kiến huy động ngoài NSNN và hơn 607 tỷ đồng cần bố trí từ nguồn vốn có nguồn gốc NSNN (trong đó hơn 221 nghìn tỷ đồng dự kiến huy động vốn ODA, hơn 131 nghìn tỷ đồng đã ký kết hiệp định với các nhà tài trợ, hơn 89 nghìn tỷ đồng tiếp tục kêu gọi ODA trong giai đoạn và hơn 386 nghìn tỷ đồng đề nghị bố trí từ vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ.
“Trước mắt, trong năm 2016 đề nghị ưu tiên bổ sung khoảng 10.000 tỷ đồng vốn đối ứng cho các dự án ODA và ứng trước kế hoạch năm 2017 khoảng 7.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông trong nước quan trọng, cấp bách đang được triển khai”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kiến nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cho biết, trong thời gian sắp tới, ngành GTVT cần xây dựng, hoàn thiện thể chế; phù hợp các Luật, Nghị định có liên quan; làm thế nào đơn giản hoá để các doanh nghiệp, mọi người dân được tham gia một cách bình đẳng. Cùng đó, xây dựng các quy định pháp luật; Nghị định. Đặc biệt phối hợp với các bộ, ngành tập trung xây dựng cơ chế chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và đầu tư theo các hình thức của PPP.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Ngành GTVT tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu vận tải ngành GTVT, hướng tới phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, tăng cường kết nối các phương thức nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ; phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, giao thông tiếp cận, công tác xã hội hóa bến xe. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện siết chặt quản lý vận tải và duy trì thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện.
Tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm TTATGT với mục tiêu chung trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 5% - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hàng năm; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, đường thuỷ nội địa, xe ô tô kinh doanh vận tải. Tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
“Song song với đó tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp; Nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp GTVT thông qua việc củng cố phát triển các doanh nghiệp nắm giữ các khâu then chốt, là huyết mạch của ngành giao thông vận tải trong lĩnh vực hàng hải, đường sắt, hàng không, công nghiệp đóng tàu để làm chuyển biến cơ cấu vận tải hợp lý, khai thác tối đa thế mạnh về biển của đất nước”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo