Gần 100 nhà vườn Huế “biến mất”
Thế nhưng, thật nghịch lý, Huế lại đang thả nổi một loại hình di sản rất đặc trưng của mình: nhà vườn.
Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh cuối năm 2011 đã đưa ra một con số khiến nhiều người bức xúc: gần 100 ngôi nhà vườn trong danh mục cần bảo tồn đã “biến mất” trong năm năm qua. Con số chính xác mà Ủy ban Nhân dân TP Huế đưa ra vào thời điểm tháng 12/2011: hiện chỉ còn 52 ngôi nhà vườn trong danh mục bảo tồn vẫn tồn tại. Số còn lại (98 nhà) đã bị phá dỡ ngôi nhà rường, chia năm xẻ bảy ngôi vườn, xem như là “biến mất” nhà vườn - một di sản đặc trưng của Huế.
Sức ép nhà ở
Ngôi nhà vườn tọa lạc ở 38/3 Lê Thánh Tôn thuộc vùng Thành nội Huế, xây dựng từ năm 1932, là một trong 150 ngôi nhà vườn cần bảo tồn. Cách đây hai năm, hai căn nhà hiện đại (của hai người con trai gia chủ) lần lượt mọc lên “kẹp chặt” ngôi nhà rường cổ ở giữa, sân vườn và cổng nhà cũng đã được bêtông hóa. Khu vườn xưa ngày nào giờ không còn nữa.
Sở dĩ Huế trở thành di sản văn hóa thế giới không chỉ vì Huế có thành quách, đền đài mà còn có sự liên kết giữa các làng trong thành phố tạo nên bản sắc riêng của Huế. Nếu nhà vườn Huế biến mất đồng nghĩa với việc thành phố vườn mất đi. Huế không còn là Huế nữa. Nhà nghiên cứu NGUYỄN HỮU THÔNG |
“Nhà tôi có đến hơn 10 người, không thể sống mãi trong căn nhà cổ chật hẹp được” - người con trai của gia chủ nói. Tương tự, ngôi nhà vườn tọa lạc tại số 64 Hàn Thuyên gần đó cũng được chọn để bảo tồn, nhưng vẫn được cấp phép xây dựng ngôi nhà hai tầng sát bên ngôi nhà cổ. Khác với chủ nhân những ngôi nhà vườn phải xây thêm nhà vì sức ép về chỗ ở, ngôi nhà vườn tại 66 Đoàn Thị Điểm chỉ có một người ở, nhưng chủ nhà xây thêm căn gác lửng ở bên ngôi nhà cổ để tránh lụt.
Lần theo địa chỉ trong danh sách 150 nhà vườn được bảo tồn, chúng tôi tìm đến khu phố cổ Gia Hội - nơi nổi tiếng là đất của phủ đệ (nơi ở của ông hoàng bà chúa). Phủ thờ ngài Tuy An được xây dựng từ năm 1844 nằm ở 96 Nguyễn Chí Thanh, đã trở thành một “tổ dân phố” với 14 ngôi nhà trệt cấp bốn (mới xây sau này) bao vây ngôi nhà rường cổ năm xưa. Số con cháu của ngài Tuy An (và một số người bên ngoài) quá đông để có thể ở mãi trong một ngôi nhà cổ và giữ ngôi vườn xưa cho nguyên vẹn!
Du lịch nhà vườn “đóng cửa”
Từ nhiều năm nay, nhà vườn Huế ở Phú Mộng - Kim Long là điểm đến được các du khách trong và ngoài nước tìm đến thưởng lãm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều chủ nhân nhà vườn đã “đóng cửa” không đón khách tham quan, vì theo họ vừa mất thời gian, công sức lại không có lợi lộc gì mà cuộc sống gia đình bị xáo trộn.
Bà Nguyễn Thị Minh Trang, người quản lý ngôi nhà vườn số 1 Phú Mộng - Kim Long, nói: “dự án bảo tồn nhà vườn đã phê duyệt cả bốn năm năm nay mà nhà tôi chưa nhận được bất cứ khoản hỗ trợ nào. Hằng ngày phải mặc quần áo đẹp, pha trà tiếp khách, rồi phải giải đáp hàng trăm câu hỏi của khách mà chẳng có một đồng bạc mô cả. Nên tui đành đóng cửa nhà đi làm việc khác, không thì lấy chi mà ăn”.
Ông Nguyễn Ngọc Trinh (88 tuổi) - chủ nhân của nhà vườn Tích Thiện Viên, điểm du lịch số 5 Phú Mộng - kể nhiều lúc đành phải “nói khó” với khách là chủ nhà đi vắng, vì không thể làm du lịch không công mãi được. Dạo quanh một vòng theo “tour du lịch nhà vườn Phú Mộng - Kim Long” thấy khung cảnh buồn hiu. Hầu hết các “điểm đến” trong tour du lịch đều từ chối đón khách, chỉ số ít đón khách một cách rất miễn cưỡng. Có thể thấy, trong khi các hãng lữ hành hưởng lợi, chủ nhà vườn làm không công, còn du khách phải chịu thiệt thòi khi phải bỏ tiền ra để đi tour du lịch kém chất lượng.
Hai văn bản soạn thảo trong bốn năm
Để chặn tình trạng “biến mất” nhà vườn Huế, kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế họp cách đây hơn năm năm (ngày 10/4/2006) đã thông qua nghị quyết về “Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010”. Tiếp đó, ngày 5/5/2006, Ủy ban Nhân dân tỉnh này đã ban hành quyết định phê duyệt “Đề án chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010”, cùng với một danh mục 150 nhà vườn có giá trị cần được bảo tồn. Thế nhưng, phải hơn bốn năm sau, khi mà hiệu lực của đề án bảo tồn nhà vườn chỉ còn tính bằng ngày thì Ủy ban Nhân dân tỉnh mới ban hành quyết định thành lập “Quỹ bảo tồn nhà vườn Huế” (ngày 25/11/2010). Chính trong thời gian chính quyền loay hoay với việc soạn thảo hai văn bản nói trên (chính sách và quỹ) thì 98 nhà đã... “biến mất”.
Ông Ngô Anh Tuấn - phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Huế, trưởng ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế - thừa nhận đề án triển khai quá chậm trễ khiến một số chủ nhà vườn đợi chờ mệt mỏi. Nguyên nhân theo ông Tuấn là do công tác soạn thảo, ban hành văn bản kéo dài đến gần bốn năm, bộ máy tổ chức thực hiện nhiều thay đổi, các đơn vị liên quan hoạt động rời rạc, trong khi cơ quan chức năng lại thiếu kiểm tra, đôn đốc.
Tại kỳ họp cuối năm 2011 của Hội đồng Nhân dân tỉnh, đại biểu Lê Phùng đã chất vấn và đề nghị UBND tỉnh trả lời ai chịu trách nhiệm về việc chậm trễ này khiến gần 100 nhà vườn đã “biến mất”. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã không trả lời trực tiếp mà hứa sẽ trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, đến ngày 30/1/2012, bà Phạm Thị Bích Thủy - thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh - cho biết vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc