Gặp lại cô bé bị bệnh lạ giữa mùa hoa tam giác mạch
Cháu rất biết ơn những tấm lòng yêu thương
Mùa hoa tam giác mạch này Vừ Thịnh Xuân, không phải mặc áo len kín cổ mà đã mặc đồng phục tề chỉnh, hợp với tiết trời se lạnh của miền núi bởi em đã khỏi bệnh. Nhưng để che những vết sẹo căng hồng, lồi lõm trên cổ, cô bé vẫn phải kéo cao khóa áo đồng phục. Bởi những vết sẹo đó làm cô bé vẫn mất tự tin, không dám để hở cổ như mọi người.
Theo cô Vừ Thị Kía, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sủng Là, tháng 6/2014 sau khi Báo điện tử Giadinh.net.vn đăng tải bài viết về Xuân với tiêu đề “Bé gái người Mông mồ côi cha, mẹ bỏ rơi đau đớn trong bệnh lạ”, trong chuyên mục Vòng tay Nhân ái, nhiều tấm lòng hảo tâm đã chung tay giúp đỡ, đưa Xuân đi từ vùng núi cao Sủng Là (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) về Hà Nội chữa bệnh. Đặc biệt, Nhóm từ thiện Thiện Tâm đã cử người lên Sủng Là làm việc với chính quyền địa phương và trường học để đưa Xuân xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, từ đó được giới thiệu đi các bệnh viện lớn ở Hà Nội chữa bệnh. Lúc đó các vết thương trên người Xuân đã loang rộng, sâu hoắm, lộ cả gân.
Theo anh Hoàng Hải, người tình nguyện nhận trách nhiệm trực tiếp đưa, đón Xuân đi chữa bệnh, theo dõi sự tiến triển bệnh tình của Xuân (vì nhà Xuân không ai biết tiếng Kinh) cho hay, gia cảnh nhà Xuân rất nghèo, chỉ có ba bà cháu ở với nhau. Khi các anh đưa Xuân về Hà Nội, được chữa trị ở Khoa Da liễu (Bệnh viện Bạch Mai). Sau đợt điều trị tích cực, tháng 8/2014 các bác sĩ đã chuyển bệnh án của Xuân về lại Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn và chuyển lại về Trạm Y tế Sủng Là tiếp tục điều trị hàng ngày để em còn đi học. Tình trạng bệnh của Xuân đã ổn định. Quá trình điều trị bệnh cho Xuân gần hai tháng khá tốn kém, chưa kể các khoản phụ phí khác, tiền ăn uống hàng ngày của Xuân và một người đi kèm khoảng 200.000 đồng/ngày, số tiền này hoàn toàn do các nhà hảo tâm ủng hộ qua Nhóm Thiện Tâm.
Niềm vui đã về trên đôi mắt con
Theo cô Vừ Thị Kía, bây giờ Xuân đã khỏi bệnh và trở về đi học, Xuân không còn phải thường xuyên nghỉ học vì những cơn đau đớn do bệnh gây ra. Mùa hè, mùa thu Xuân cũng không phải mặc áo len kín cổ để tránh bị mọi người nhìn thấy những vết bệnh lao “ăn” mà sợ hãi không dám lại gần.
Xuân đã biết nói tiếng Kinh, tuy chậm và vốn từ chưa nhiều, nhưng Xuân đã giao tiếp được với mọi người. Cô Kía cho biết thêm, Thịnh Xuân là cô bé khá thông minh, học tiếng phổ thông nhanh. Giờ nghe hỏi bằng tiếng Kinh con đã tự trả lời được. Tuy con vẫn bé tí tẹo như trẻ tiểu học, nhưng ở con toát lên vẻ tự lập của đứa trẻ không nhận được sự quan tâm từ mẹ. Ở vùng cao, trẻ em gái tuổi Xuân rất vất vả, hàng ngày vẫn lo cáng đáng việc nhà nên rất nhiều trẻ phải bỏ học, các thầy, các cô phải lặn lội đi đón học trò về học lại. Nhiều thầy cô còn phải tốn nhiều thời gian công sức lên giúp học trò thu xếp việc nhà để xuống núi đi học. Có thầy cô còn phải cõng gạo lên cho gia đình học trò cứu đói, rồi vận động con xuống trường đi học. Tuy gia cảnh nghèo khó, thiếu thốn đủ đường, lại thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ, việc nhà chất chồng lên vai nhưng Xuân vẫn lặng lẽ làm lụng và đi học đều đặn vì “con rất biết ơn những người tốt đã chữa bệnh cho con trở về đi học”, Vừ Thịnh Xuân thỏ thẻ chia sẻ.
Thầy Biểu, giáo viên chủ nhiệm của Xuân cũng cho biết, Xuân ngoan và học khá, đi học đều. Hàng ngày Xuân cùng các bạn đi học, các bạn cũng rất mừng vì Xuân đã thoát khỏi nỗi đau bệnh lạ đeo đẳng em từ năm học lớp 3. Cuộc sống của Xuân còn rất nhiều khó khăn trước mắt, nhưng con đã tự nhiên nô đùa với các bạn và các bạn cũng rất thông cảm với hoàn cảnh của Xuân.
Những vết sẹo lồi lõm trên cổ vẫn còn lộ to và rõ làm Xuân chưa tự tin nhưng Xuân đã hiểu được trái tim yêu thương của cộng đồng đã giúp mình. Giữa mùa hoa tam giác mạch, Xuân vui vẻ, vô tư cùng các bạn đi trồng hoa để nhà trường tham dự thi Lễ hội hoa tam giác mạch ở huyện Đồng Văn. Xuân vẫn nuôi mơ ước học giỏi, trở thành một bác sĩ để chữa bệnh cho bà con sau này và hy vọng có ngày chị em Xuân sẽ gặp lại mẹ. Cái tên Vừ Thịnh Xuân nghĩa là “mùa xuân hạnh phúc” đã bắt đầu hiện hữu qua nụ cười trong ánh mắt của Xuân.
"Sủng Là là một trong những xã nghèo khó giáp biên, thuộc diện 135 của huyện Đồng Văn. Nhà trường thay mặt gia đình nhận những tấm lòng hảo tâm của bạn đọc Báo Gia đình & Xã hội. Số tiền tuy không nhiều, nhưng là của rất nhiều tấm lòng hảo tâm góp lại giúp bé Xuân. Để giúp cuộc sống của Xuân đỡ vất vả hơn, nhà trường đã cử cô Vừ Thị Kía gửi toàn bộ số tiền vào sổ tiết kiệm cho Xuân để sử dụng đúng mục đích (khi Xuân ốm đau, cần tiền mua sách vở… - Thầy Phạm Xuân Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sủng Là cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo