Tin tức - Sự kiện

Gây lãng phí, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Với đa 87,55% phiếu tán thành, chiều nay (26/11), Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) với đa 87,55% phiếu tán thành (Ảnh: Đức Thanh)	Với Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí bị quy định cụ thể hơn.

Theo đó, dù trực tiếp hay gián tiếp để xảy ra lãng phí trong đơn vị mình mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ; hoặc không xử lý hành vi lãng phí theo thẩm quyền thì người đứng đầu cũng bị xử lý.
 
Cụ thể, những người đứng đầu có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Ngoài ra, tùy theo mức độ, người đứng đầu có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
 
Tuy nhiên, nếu những người đứng đầu này đã thực hiện đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi lãng phí; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi lãng phí thì sẽ được xem xét giảm trách nhiệm pháp lý.
 
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các bên về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và các công trình phúc lợi công cộng.
 
Theo đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, lĩnh vực và sản phẩm; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng phải phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của nền kinh tế.
 
Việc lập, thẩm định và phê duyệt danh mục dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, lĩnh vực và sản phẩm; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng.
 
Việc phê duyệt dự án đầu tư phải phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn; bảo đảm cân đối giữa nguồn vật tư, nguyên liệu với năng lực sản xuất và thị trường tiêu thụ; đạt hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Các dự án đầu tư trước khi quyết định đầu tư phải chứng minh rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện dự án đúng tiến độ.
 
Về thi công, dự án đầu tư chỉ được thi công khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Dự án đầu tư, công trình không nằm trong quy hoạch, kế hoạch, không bảo đảm các điều kiện quy định, không đúng quy trình, thủ tục đầu tư phải bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ.
 
Công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án. Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
 
Củ đầu tư, chủ dự án có trách nhiệm xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí để giao cho nhà thầu thực hiện. Không được tự ý thay đổi thiết kế, dự toán công trình hoặc giá trúng thầu đã được duyệt; tiến hành nghiệm thu và quyết toán công trình theo đúng quy định.
 
Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/7/2014.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo