Gia cảnh bi đát của người mẹ hóa điên vì 5 năm mất 3 đứa con
Hóa điên vì thương con
Trời vừa hé sáng, ông Trần Văn Tý (SN 1946, trú thôn Hải Lục, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vội vàng xuống chuẩn bị bữa cơm sáng cho vợ và con trai ăn để kịp bắt xe ra Hà Nội khám bệnh. Cơm nước xong cũng là lúc mặt trời vừa lóe lên những tia nắng yếu ớt sau lũy tre làng của những ngày đông, ông Tý lại quay ra sân lấy đồ nghề ra loay hoay đục đẽo làm cày.
Cố gắng lắp ráp nhanh chiếc cày sau gần 1 tuần đục đẽo để kịp bàn giao cho khách chuẩn bị làm đất cho mùa vụ mới, thấy vợ hò hét trong nhà, ông Tý lại chạy vội vào thu dọn “bãi chiến trường”.
Xếp lại mấy chiếc chăn, mền cũ kỹ vừa bị người vợ rũ xuống dưới nền nhà, ông Tý trầm ngâm kể, cũng chỉ vì quá thương con mà bà Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1946, vợ ông) mới trở nên nông nỗi như vậy.
Hai ông bà nên duyên vợ chồng rồi cũng xây dựng gia đình từ hai bàn tay trắng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn cùng cực khi cả mấy miệng ăn trong nhà chỉ biết trông cậy vào mấy sào ruộng lúc được nay mất. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng bù lại tiếng cười luôn tràn ngập trong hạnh phúc vì các con luôn ngoan ngoãn và học giỏi.
Niềm hạnh phúc, hy vọng nhỏ nhoi cứ thế ngày thêm một lớn khi 3 đứa con trai đầu của hai ông bà đều trưởng thành và có gia đình riêng. Nhưng chút hy vọng nhỏ nhoi ấy chẳng được bao lâu khi cả 3 người con này đều lần lượt rời xa vòng tay gia đình vì bệnh tật hành hạ. Chỉ trong vòng 5 năm, bệnh tật đã cướp đi sinh mạng của 3 người con trai khiến những tiếng khóc của bà Nguyệt không kịp ngừng nghỉ.
Nỗi đau mất đi những đứa con đã khiến người mẹ già hóa điên.“Khóc thương cho đứa con này chưa ngưng thì đứa tiếp theo lại chết khiến bà ấy phát bệnh rồi hóa điên. Bây giờ bà ấy chẳng còn tỉnh táo nữa, cứ sơ hở là lại bỏ đi lang thang khắp nơi tìm con vậy”, ông Tý nghẹn ngào cho biết.
Gia cảnh đã bần cùng, nay người vợ đang khỏe mạnh của ông lại hóa điên, chỉ còn biết khóc và gọi tên các con suốt ngày.
Hai ông bà sinh được 6 người con trai thì 3 đứa con đầu đều lần lượt ra đi vì căn bệnh ung thư, người con tiếp theo lại bị bệnh tật chỉ ngồi một chỗ.
Người con út đi làm thêm xa, người con gái đi lấy chồng xa nên cũng không giúp được gì cho gia đình, ông Tý lại ngày ngày phải cần mẫn lao động kiếm thêm tiền thuốc men cho vợ và con trai.
Mong một ngày có cơ hội được báo hiếu
Chiến tranh kết thúc, ông Tý rời khỏi chiến trường với đôi tai bị điếc, di chứng của chiến tranh để lại nên chỉ thỉnh thoảng mới nghe được vài ba câu rất khó khăn.
Từ ngày vợ phát bệnh, trong nhà chỉ còn người con trai nhưng bị bệnh tật ngồi một chỗ nên người đàn ông 69 tuổi này đành phải trả hết ruộng rồi về nhà hành nghề làm cày để tiện chăm cho vợ con.
Nhét vội hồ sơ bệnh án và mấy bộ quần áo cũ vào ba lô để chuẩn bị ra Hà Nội tái khám bệnh, anh Trần Văn Hữu (SN 1883, con trai ông Tý) cho biết cuộc đời của mình chỉ gắn liền với nhà và bệnh viện từ lúc mới lên 5 tuổi.
Do sức khỏe yếu, cộng với kinh tế gia đình khó khăn nên việc học của Hữu cũng chỉ được mấy năm rồi nghỉ để về nhà chữa bệnh.
Bị teo mất chân phải nên anh phải nhảy lò thò rất khó khăn mỗi lúc di chuyển. Hữu cho biết, cứ 3 tháng anh lại phải ra viện điều trị một lần, mỗi lần như thế cũng mất từ 4 đến 5 triệu đồng nên rất tốn kém.
Thấy ông Tý ngồi trên giường trên chiêc giường đã ọp ẹp vì quá cũ vừa nói chuyện vừa đấm bóp chân cho vợ, nước mắt Hữu bỗng dưng cứ thế tuôn chảy thành hàng lúc nào không hay. Anh phải người chở ra đường bắt xe để ông Tý ở nhà còn làm việc và chăm sóc cho mẹ mình.
“Cha tôi dường như chưa một lần được hưởng một niềm vui gì trọn vẹn, cả cuộc đời ông ấy chỉ biết lầm lũi làm việc chăm sóc các thành viên trong gia đình. Số phận em như thế này cũng không dám ước mơ gì nhưng vẫn khát khao một ngày nào bệnh tình có thể thuyên giảm để làm việc gì đó phụ giúp báo hiếu cho cha mẹ, dù chỉ một ngày”, Hữu tâm sự trong nước mắt.
Anh Võ Quốc Văn – xóm trưởng xóm Hải Lục cho biết ông Tý là một người rất thương yêu vợ con. Dù đã tuổi cao nhưng ông vẫn miệt mài làm việc để kiếm thêm trang trải thuốc men cho người vợ và đứa con bị bệnh của mình.
“Vừa rồi phía Mặt trận xã đã thăm hỏi và hỗ trợ 50% số tiền để giúp ông xây một ngôi nhà mới nhưng ông Tý từ chối vì không có tiền”, anh Văn cho biết thêm.
Hoàn cảnh bi đát của ông Tý, bà Nguyệt đang rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo