Bình luận

Giá cao su ảm đạm lại đổ lỗi do thị trường Trung Quốc

Phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, 3 năm nay cao su liên tục rớt giá gây hoang mang cho cả các tập đoàn cao su lớn, các doanh nghiệp và hộ dân.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, năm 2015 ngành cao su sẽ phải  tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn bởi nhu cầu và giá thành của cao su nguyên liệu (nguồn thu cao su chính của nước ta) đang trên đà sụt giảm mạnh và kéo dài. “Quý I mặt hàng cao su xuất khẩu đạt 196.000 tấn, tương đương 279 triệu USD, tăng 35,1% về khối lượng nhưng giảm 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014” – theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. 

 

3 năm nay cao su liên tục rớt giá gây hoang mang cho các doanh nghiệp. 

 

Nguyên nhân gây đình trệ cao su trong nước do Việt Nam bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu thụ cao su tại nước này đã rơi vào bão hòa, do đó ngành cao su nước ta không thể  tránh hỏi hệ lụy.

 

Từ đó cần tập trung duy trì hoạt động sản suất cho những vùng cao su trong nước, tăng cường tiếp cận và nghiên cứu thị trường để tìm kiếm đầu ra mới. Bộ cũng đề xuất và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tích cực hợp tác với ngành cao su các nước trên thế giới để cân bằng nguồn cung – cầu cùng có lợi.

 

Từ tập đoàn lớn nhất cả nước

 

Thời điểm này, giá cao su chỉ còn 1.500 USD/tấn, giảm mạnh với thời điểm đạt mốc 5000 USD/tấn năm 2011, giá mủ cũng chỉ còn 1/2 so với thời điểm đó.  Tập đoàn công nghiệp cao su lớn nhất Việt Nam cũng đã gặp nhiều khó khăn khi ngành cao su liên tục rớt giá trong  3 năm nay. Giá thành sản xuất và bán ra lúc này gần như hòa nhau hoặc thua lỗ, không dám tính tới lợi nhuận.

 

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã từng mang về cho tập đoàn của mình lãi suất “khủng” từ cao su ngay mùa đầu tiên khi lấn chân sang nông nghiệp vào năm 2011, nhưng đến nay cũng vấp phải khó khăn chung khi cao su không còn “thịnh” như trước kia.

 

Chủ tịch tập đoàn - ông Đoàn Nguyên Đức cho biết: “giá cao su đã giảm từ 5.000 xuống còn 1.000 USD một tấn, công ty đã mở rộng đầu tư nhiều ngành nghề khác hấp dẫn hơn, mang lại lợi nhuận tốt có thể bù đắp cho tình hình cao su rớt giá”. HAGL vẫn cố gắng điều tiết và kiểm soát được giá thành ở mức tốt nhất có thể, “thực tế công ty vẫn có lãi từ cao su, nhưng không nhiều", ông Đức quan ngại.

 

Với diện tích cao su lên tới 42.500 ha, năm 2014 HAGL đã bị sụt giảm nguồn thu và thiếu hụt 33% so với kế hoạch dự kiến là 341 tỷ đồng. Đến 2015, con số này tiếp tục giảm sâu, dự kiến tỉ trọng chỉ còn một nửa so với cùng kì năm trước. Dưới thực trạng lượng cầu cao su không có dấu hiệu đi lên, HAGL kế hoạch sẽ chỉ khai thác mủ từ các cây lớn được chọn lọc.

 

Tới các doanh nghiệp hàng đầu 

 

Trước khó khăn chung, các doanh nghiệp cũng đang điêu đứng vì lượng mủ tồn đọng ngày càng lớn. Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông (Gia Lai) đang phải đối đầu với khó khăn khi ước tính lượng mủ tồn đọng đến cuối năm lên tới 2.500 tấn. Hay tại đơn vị cao su lớn nhất Tây Nguyên (Binh đoàn 15), con số tồn đã lên tới gần 15.000 tấn. 

 

Doanh nghiệp  đang điêu đứng vì lượng mủ tồn đọng ngày càng lớn. 

 

Tại Công ty cổ phần Cao su miền Nam doanh thu cũng đang xuống dốc nghiêm trọng khi lợi nhuận quý đầu năm 2015 giảm tới 30,4% với cùng thời điểm năm trước. Với hàng ngàn ha diện tích cao su tại Campuchia, một doanh nghiệp đầu tư tại TP.HCM lại đang phải gánh khoản lỗ lớn từ 2 năm nay khi giá mủ liên tục giảm. Trước đây thu hoạch từ 800 – 850 triệu đồng/ha thì hiện tại chỉ còn 123 triệu/ha, doanh nghiệp đã phải bán đến một nửa diện tích cao su để cắt lỗ.

 

Đến nỗi khổ của người dân 

 

Mấy năm trước vào vụ được giá, bà con nông dân đã dốc hết vốn  đổ xô trồng cao su. Nay cao su tụt dốc thảm hại, người dân không tránh được thiệt thòi lớn, vì đó là tất cả vốn liếng của họ. Các năm trước, cao su cho người dân thu hoach khoảng 90 triệu đồng/tháng thì nay chỉ còn khoảng trên dưới chục triệu đồng, có muốn bán đi cũng không có người mua – chị Hoa (Bình Phước) cho biết. 

 

Tại xã Nghĩa Hưng (Chư Păh, Gia Lai) người dân cũng lâm vào cảnh khốn cùng khi giá mủ giảm tới hơn 5 lần so với lúc được giá. Thu nhập gần 2 triệu/tháng trước đây giờ chỉ còn mấy trăm ngàn. Nhiều người dân ở đây đã chặt cao su để trồng cà phê, các hộ khác cũng rục rịch trông đợi tình hình khả quan hơn, nhưng nếu không được sẽ buộc phải phá để trồng thay thế cây khác cho thu nhập cao hơn. 

 

Nhiều hộ dân ở các nơi khác đã bán lại cao su cho các doanh nghiệp hoặc chặt cả diện tích cây lớn để bán gỗ. Trong thời gian tới, nếu thị trường cao su vẫn không có dấu hiệu tích cực hơn thì dự kiến diện tích cao su bị phá bỏ sẽ ngày càng lớn. 

 

 

Lương Thanh ( T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo