Thị trường

Giá chênh cao sao người dân vẫn giữ vàng?

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp can thiệp, bình ổn thành công thị trường vàng.

Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện gần 6 triệu đồng/lượng cho thấy thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn. Đã đến lúc cần xem lại khái niệm “bình ổn”?

Chênh lệch giá quá lớn và kéo dài

Phiên đầu tiên của tháng 11, giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1.164 USD/ounce, thấp hơn mức 1.172 USD/ounce kết thúc phiên giao dịch tuần trước đó, tương ứng mức giảm 3,4%, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 7/2010.

Sau một tuần giá vàng thế giới sụt giảm mạnh trong khi giá vàng trong nước vẫn neo ở mức cao khiến khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới lên đến 5,8 triệu đồng/lượng.

Sang phiên giao dịch sáng ngày 11/11, giá vàng trong nước niêm yết tại các công ty vàng bạc đá quý và tại các cửa hàng vàng đồng loạt điều chỉnh giảm so với chốt phiên ngày hôm trước trong bối cảnh giá vàng thế giới đi xuống. Cụ thể, giá vàng SJC tại Hà Nội được Tập đoàn DOJI niêm yết giá mua vào - bán ra ở mức 35,02 - 35,07 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC tại TP. HCM niêm yết là 34,96 - 35,08 triệu đồng/lượng, điều chỉnh giảm 160.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. So với giá vàng thế giới, vàng trong nước ngày 11/11 cao hơn khoảng 5,4 triệu đồng/lượng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, giá vàng thế giới sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới do các động thái sau: thứ nhất, giá vàng giảm là cơ hội để cho các nhà đầu tư ôm vàng, tuy nhiên thị trường lại đang có những diễn biến ngược lại; thứ hai, đồng USD liên tục tăng cao thời gian qua và đầu tư vào Mỹ đang tăng trưởng nhanh; thứ ba, tình hình kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực EU khả quan hơn sau báo cáo kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF).

“Do vậy, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới nhiều khả năng vượt ngưỡng 6 triệu đồng/lượng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo.

Người dân vẫn giữ vàng không bán

Trao đổi với ĐTCK, chị Bùi Hà cho biết, mặc dù khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức lớn, nhưng chị vẫn theo dõi giá vàng thế giới hạ thêm, với kỳ vọng giá vàng trong nước cùng giảm, để mua thêm.

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam (VGB), tâm lý trên của người dân khá phổ biến. Những người có tiền đã mua vàng, hiện đều có tâm lý giữ vàng dù mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao, thậm chí còn có nhu cầu mua vàng tiếp. Nguyên nhân là bởi, thị trường hiện chỉ có NHNN cung vàng, nhưng việc đấu thầu đã được đơn vị này đóng khá lâu và chưa có động thái mở lại. Do vậy, với sự e ngại về nguồn cung, cầu cao hơn cung, dẫn đến giá vẫn được neo ở mức cao.

“Hiện tại, các kênh đầu tư khác như chứng khoán chưa xác định rõ xu hướng tăng, bất động sản chưa thật sự khởi sắc, trong khi lãi suất tiền gửi đã xuống rất thấp và có xu hướng hạ tiếp, nên vàng được xem là ‘cứu cánh’. Người dân ôm vàng cũng là điều dễ hiểu”, ông Hải nói.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới trước vào khoảng 3 triệu đồng/lượng, nhưng giờ lên trên 5 triệu đồng/lượng cho thấy, người dân chủ yếu giữ vàng, lượng bán ra ít, do đó cầu vẫn lớn hơn cung, rủi ro vẫn tiềm ẩn lớn.

Cần tổng kết về chính sách quản lý thị trường vàng

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, thời điểm hiện tại giá vàng không phải là biến động. Tuy nhiên, sau khi đã ổn định thị trường, đây là thời điểm thích hợp NHNN nên bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào giảm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Bởi khoảng “lệch” về giá quá lớn sẽ tạo ra tâm lý “buôn vàng”. Cụ thể, NHNN có thể xem xét từng khâu dẫn đến đội chi phí như nhập vàng, chế tác, bảo quản…, để từ đó có những định hướng giúp giảm chi phí đầu vào cho vàng…

“Khoảng cách giá vàng lớn, giới đầu cơ sẵn sàng đi đường biên mậu dù có thể chỉ đưa được vàng nữ trang vào. Trong trường hợp như vậy, sẽ không có lợi cho việc quản lý thị trường vàng. Trong năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 cuộc đấu thầu vàng, nhưng năm nay chưa thực hiện lần đấu thầu nào cũng là điểm cần xem xét. Đặc biệt, NHNN cần có tổng kết về chính sách quản lý thị trường vàng và tôi vẫn kiên trì khuyến nghị việc thành lập sàn vàng quốc gia”, ông Trần Thanh Hải nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, những nỗ lực của NHNN đã góp phần tích cực vào việc bình ổn tâm lý thị trường, đồng thời góp phần quan trọng vào việc tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm hiện tượng vàng hóa nền kinh tế. Trong tương quan đó, việc đấu thầu vàng giữ cung cầu ổn định, tuy nhiên, đây chỉ là sự quân bình tạm thời, mới chỉ là một mặt của sự ổn định, cần có sự ổn định cả về giá. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện vẫn lớn cho thấy chưa có sự quân bình, rủi ro lớn. Do vậy, ổn định thị trường vàng về lâu dài và toàn diện là giá phải ổn định, điều này thể hiện sự quân bình giữa cung và cầu.

“Có thể chưa thay được chính sách bình ổn, nhưng đã đến lúc NHNN cần có một tổng kết về chính sách quản lý thị trường vàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.        

ĐTCK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo