Thị trường

Gia công phần mềm đã nâng cao năng lực cạnh tranh

Sau hơn 10 năm làm gia công xuất khẩu phần mềm cho thị trường Nhật Bản, các công ty phần mềm Việt Nam đã tích lũy đủ khả năng để đảm nhận các hợp đồng lớn có giá trị cao hơn so với trước.

(TBKTSG) Ông Nguyễn Đăng Phong, Chủ tịch Công ty giải pháp phần mềm Fujinet, cho hay, nếu như trước đây các công ty gia công phần mềm của Việt Nam chỉ thực hiện được các khâu đơn giản như viết mã code (coding) và kiểm thử phần mềm (testing) có giá trị thấp thì nay họ đã có thể đảm nhận được việc thiết kế và nghiên cứu sản phẩm.

Đây là khâu mang lại giá trị cao hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.

"Hiện Việt Nam đang giành được 1/4 khối lượng công việc gia công phần mềm của các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra nước ngoài. Và hầu hết, các hợp đồng mà phía Việt Nam nhận được có giá trị cao hơn so với trước do doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đảm nhận được các công việc phức tạp", ông nói.

Theo ông Phong, trong hai năm qua các công ty Nhật có xu hướng chuyển hợp đồng gia công phần mềm từ Trung Quốc về Việt Nam là do chi phí lao động tại Trung Quốc đang tăng cao. Thêm vào đó, tình trạng nhảy việc tại các công ty Trung Quốc khá cao làm ảnh hưởng đến các dự án gia công mà phía Nhật Bản đặt hàng. Ngoài ra, căng thẳng chính trị giữa hai nước này leo thang khiến các công ty Nhật Bản buộc phải chuyển bớt công việc sang Việt Nam.

“Để cạnh tranh được với Trung Quốc thì các công ty phần mềm Việt Nam buộc phải nâng cao tay nghề kỹ thuật và áp dụng được các chuẩn quốc tế như CMMi (một tiêu chuẩn quản lý quy trình chất lượng phần mềm quốc tế) trong sản xuất”, ông nói.

Đồng quan điểm với ông Phong, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Công viên Phần mềm Quang Trung cho rằng hợp đồng gia công phần mềm từ Nhật Bản đang chuyển về cho các công ty Việt Nam nhiều hơn. Hiện một số công ty Nhật Bản đang cân nhắc lựa chọn Việt Nam để mở một số trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), dịch vụ công nghệ thông tin và gia công phần mềm.

“Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã có thể đảm nhận được các công việc đòi hỏi kiến thức kỹ thuật cao hơn. Điều này giúp các doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh so với các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Malaysia”, ông nói.

Mặc dù khá lạc quan về thị trường Nhật Bản, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ thị trường Myanmar trong vài năm tới. Đây là thị trường mới nổi và có khả năng "cắn một miếng bánh" trong các hợp đồng gia công phần mềm từ thị trường Nhật Bản.

 

 

Hà Vân

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo