Thị trường

Giá cước 3G tăng 300%, nhà mạng thu trăm tỷ

Lần điều chỉnh gần nhất đẩy giá dịch vụ 3G trung bình lên 20%, trong đó có một số gói tăng mạnh tới 40%, thậm chí hơn 300% (đối với gói USB 3G). Mới đây, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông lại tiếp tục đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh thêm giá cước theo cơ chế thị trường.

Tăng hơn 300%

Trong các gói cước 3G tăng giá từ ngày 16/10, gói cước dành cho người dùng các thiết bị USB 3G truy cập Internet có mức tăng khủng khiếp nhất.
 
Đây là loại gói cước không có dung lượng miễn phí và cũng không bị giới hạn tốc độ truy cập, khách hàng dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, chỉ đơn giản là mua sim 3G chuyên dụng (không có chức năng thoại) gắn vào USB 3G và kích hoạt sử dụng dịch vụ dữ liệu.
 
Cụ thể, gói cước EZ0 của Vinaphone thay đổi từ mức 60 đồng/MB lên đến 200 đồng/MB, tăng 333,3% so với cước cũ; gói cước FC0 của MobiFone, Laptop Easy của Viettel cũng có mức tăng tương tự từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB.
 
Gói cước dịch vụ 3G đối với khách hàng sử dụng trả trước đã tăng hơn 300%.
 
Như vậy, trước đây mỗi thuê bao chỉ phải tốn trung bình 60.000 đồng/tháng cho loại dịch vụ 3G này thì giờ đây họ phải tốn ít nhất 200.000 đồng/tháng. 
 
Theo Cục Viễn thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến tháng 10/2013, cả nước có hơn 3,4 triệu thuê bao 3G phát sinh lưu lượng, không sử dụng trực tiếp trên điện thoại di động (tức sử dụng dịch vụ 3G trên máy tính bảng, USB 3G).
 
Với đại đa số thuê bao trong khoảng 3,4 triệu thuê bao nói trên đều không đăng ký dịch vụ trọn gói, sau khi mức cước tăng nhảy vọt, nhà mạng đã kiếm bộn tiền. Họ đương nhiên bỏ túi thêm 500-600 tỉ đồng mỗi tháng.
 
Người dùng bức xúc
 
Anh Long, một người dùng 3G của Mobifone trên điện thoại di động cho biết, trong 1 tuần tài khoản của anh đã bị trừ tới 300.000 đồng mặc dù điện thoại hầu như không gọi mà chỉ dùng để vào mạng là chủ yếu. 
 
Theo anh Long, vì nơi làm việc, nhà ở đều có wifi nên ít phải dùng 3G vì vậy anh đã không đăng ký gói dịch vụ theo tháng. Tuy nhiên, mới đây khi wifi bị trục trặc, phải dùng 3G, anh Long gần như té ngửa với giá dịch vụ của nhà mạng.
 
Chị Hoàng Lan (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, sau khi mua thẻ điện thoại Vietel để dùng cho USB 3G với giá 85.000 đồng, tài khoản 100.000 đồng chị đã đăng ký dịch vụ 3G, không đăng ký cụ thể gói cước trả sau. 
 
Nhưng chỉ sau chưa đầy 15 phút chỉ vào các trang báo mạng, số tiền trong tài khoản chính đã bị trừ sạch.
 
Không chỉ với những gói cước trả trước, không đăng ký gói cước cụ thể mà ngay cả những người dùng đăng ký gói cũng phải ấm ức nhiều. 
 
Anh Mai Thắng (TP Vũng Tàu) kể: “Tôi đang làm việc thì bỗng dưng không thể truy cập được từ mạng 3G Viettel. Mạng liên tục báo lỗi và sau đó lại hiện dòng chữ “quý khách vượt quá 70% định mức, báo động đỏ, đề nghị thanh toán cước” và bị khóa hai chiều.
 
Tôi dùng gói dịch vụ Laptop Easy 120 của Viettel, tức là thuê bao 120.000 đồng/tháng và được miễn phí 2,6 GB. Ngoài định mức 2,6 GB đó, phải đóng tiền 60 đồng/MB. Từ ngày thuê bao đến nay hơn ba năm, chưa lần nào bị chặn như thế”.
 
Lên trung tâm giao dịch Viettel phản ảnh thì anh Thắng mới biết nhà mạng đã tính cước 3G theo cách mới và buộc anh phải đóng đến 300.000 đồng mới được mở mạng lại.
 
“Nhà mạng không hề thông báo cho các chủ thuê bao mà tự khóa và trừ nghiến tiền. Hành động ấy là móc túi người dùng trắng trợn” - anh Thắng cho biết.
 
Cước 3G mới tăng chưa đầy 2 tháng, ngày 13/12 vừa qua tại hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2014 của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông lại tiếp tục đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh thêm giá cước theo cơ chế thị trường, giá cước được thiết lập trên cơ sở giá thành, cung cầu thị trường và mặt bằng giá chung của khu vực.
 
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ông đánh giá cao hoạt động điều chỉnh giá cước dịch vụ thông tin di động thời gian qua, trong đó có 3G. "Điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách, quy định hiện hành", ông nói. 
 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo