Giá đất nền tại một số địa phương tăng nhanh
Trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, có hiện tượng tăng giá đất nền tại khu vực huyện Cần Giờ (Tp. Hồ Chí Minh) và huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Giá đất tại khu vực này tăng từ 10-20%, cá biệt có một vài khu vực giá đất tăng đến 50% so với năm 2016.
Một số nơi có hiện tượng người dân tự ý phân lô bán nền gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch và dễ gây bất ổn cho sự phát triển của thị trường bất động sản tại những khu vực này.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng tăng giá là do ảnh hưởng từ thông tin quy hoạch. Việc công bố quy hoạch hệ thống hạ tầng và một số dự án lớn tại các khu vực trên (thông tin dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ triển khai vào cuối năm 2018, một số dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn được cấp phép triển khai tại Cần Giờ) đã có tác động kích thích làm tăng giá đất; đồng thời khiến việc phân lô bán nền tăng thêm.
Mặt khác, giới đầu cơ, những người môi giới đã lợi dụng các thông tin về quy hoạch và tin đồn để “làm giá”, đẩy giá đất lên cao thu lợi bất chính. Những nhà đầu tư thứ cấp cũng theo tâm lý đám đông mua gom đất, chờ lên giá tạo nên cơn sốt ảo tại những khu vực này.
Cùng đó, hiện tượng giá đất nền cũng tăng cao trong thời gian ngắn tại khu vực khác như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa).
Tại Nha Trang, trong quý 1 chưa có dự án đất nền mới mở bán nên khan hiếm vì số lượng dự án đủ điều kiện chuẩn chưa nhiều mà vẫn phải trông đợi ở thời gian toái với các dự án dự kiến có mức giá hợp lý được kỳ vọng như: Khu đô thị Mỹ Gia với 80 ha và 2.500 nền; Khu đô thị Phúc Khánh 1, 2 với 60 ha dự kiến 1200 nền; Khu đô thị Đất Lành Vĩnh Thái 50 ha tương đương 1.500 nền…
Điều này cho thấy, sản phẩm đất nền giá trị vừa và nhỏ có pháp lý và hạ tầng chuẩn với mức giá từ 10-18 triệu/m2 sẽ là giao dịch chủ đạo chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới.
Nhận xét về thị trường Phú Quốc, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, đất nền tại khu vực này bị hạn chế do quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngưng phân lô bán nền. Theo đó, đất ở có diện tích trên 500m2 và đất nông nghiệp trên 1.000m2 mới được phân lô. Điều này khiến giao dịch đất nền kém sôi động.
Tuy nhiên, đất thổ cư được giao dịch nhiều chủ yếu là các mảnh lớn khoảng 3.000 m2 trở lên với lượng giao dịch tăng từ 30-70% tùy từng khu vực. Các khu vực đang có hiện tượng sốt đất là: Bãi Trường, Ấp Ông Lam, ấp Ba Trại, ấp Khu Tường, Rạch Gió, Suối Đá, Suối Lớn, Suối Mây (Xã Dương Tơ), Ấp 2, Ấp 3, Ấp 4 xã Cửa Cạn. Các giao dịch này chủ yếu là lướt sóng với mức giá khác nhau. Nhu cầu thực đối với loại hình này chưa có, chủ yếu vẫn là đầu cơ và lướt sóng.
Nhận định tình trạng “sốt” đất nền các khu vực có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững cũng như tính minh bạch của thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng vừa yêu cầu một số địa phương phối hợp, tìm nguyên nhân và giải pháp kiểm soát tình hình giá đất nền tăng mạnh trong thời gian ngắn vừa qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)