Tin tức - Sự kiện

Giá dầu giảm: Được nhiều hơn mất

Trả lời báo chí sau cuộc họp về những vấn đề quan trọng trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô vào chiều tối 22-1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết một trong những nội dung quan trọng được bàn đến là tác động của việc giá dầu giảm đến nền kinh tế

 

 
 

Phóng viên: Bộ trưởng có thể cho biết các kịch bản về sản xuất, khai thác dầu mỏ trước diễn biến giá dầu giảm?

- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Có 3 kịch bản ứng phó. Nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng, xuất khẩu dầu mỏ giảm không đáng kể. Với những lô có giá thành sản xuất cao hơn giá bán thì có thể dừng hoặc tiết giảm sản lượng.

 

Nếu giá dầu 50 USD/thùng thì tiết giảm nhiều hơn, sản lượng có thể ở mức 14,4 triệu tấn (kế hoạch của Bộ Công Thương đề ra là 14,74 triệu tấn). Nếu giá dầu giảm đến mức 40 USD/thùng thì giảm xuống còn 13,08 triệu tấn.

Tác động của giá dầu đến tăng trưởng kinh tế và thu chi ngân sách ra sao?

- Chúng ta là nước vừa xuất vừa nhập dầu thô nên sẽ chịu tác động 2 chiều tới tăng trưởng kinh tế. Nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì tăng trưởng giảm so với dự kiến 0,21 điểm %, 50 USD/thùng thì giảm 0,56 điểm % và có thể giảm đến 1 điểm % khi giá dầu ở mức 40 USD/thùng.

 

Mặt khác, khi giá nhập khẩu giảm mạnh thì giá xăng dầu trong nước giảm theo, từ đó tác động tốt đến nền kinh tế. Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng sẽ giúp tăng trưởng tăng thêm 0,27 điểm %, 50 USD/thùng thì tăng thêm 0,31 điểm % và tăng 0,43 điểm % khi ở mức 40 USD/thùng.

 

Liên quan đến ngân sách, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng sẽ khiến ngân sách hụt thu 1.500 tỉ đồng, 50 USD/thùng hụt 9.500 tỉ đồng và 40 USD/thùng thì hụt 11.500 tỉ đồng. Còn Bộ Tài chính tính toán nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng thì thậm chí không hụt thu vì tuy có giảm thu trực tiếp từ dầu nhưng bù lại, thu nội địa nhiều hơn.

 

Chúng ta còn có cái được rất lớn là dần dần tạo ra nền kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và chi tiêu dần tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, muốn vậy phải tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Khi giảm giá xăng dầu thì phải giảm cước vận tải và các dịch vụ, mặt hàng liên quan.

 

Vậy các bộ, ngành có phương án điều hành giảm cước vận tải chưa?

 

- Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Tài chính cùng Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại giá thành của các doanh nghiệp vận tải, tính toán xem trong điều kiện giá xăng dầu hiện nay sẽ phải giảm tương ứng giá cước vận tải bao nhiêu. Đặc biệt, sẽ cố gắng giảm càng sớm càng tốt và giảm trước Tết Nguyên đán Ất Mùi.

 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa ra 3 kịch bản tăng giá điện nhưng Chính phủ chỉ đạo từ nay đến Tết Nguyên đán chưa bàn đến chuyện này.

 

Phấn đấu tăng trưởng GDP 6,2%

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2015 là 6,2%, điều hành lạm phát khoảng 5% như chỉ tiêu đã đề ra. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến của lạm phát, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế.

Theo Thủ tướng, phải bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước và không điều chỉnh tổng thu, tổng chi ngân sách nhà nước của năm 2015. Thủ tướng cho rằng mức hụt thu ngân sách không đáng lo ngại như dự báo trước đây, kể cả khi giá dầu thế giới xuống mức 40 USD/thùng.

T.Dũng

 

 
Theo NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo