Quốc tế

Giá dầu mỏ châu Á tăng vọt vì Iran, giới phân tích lo ngại

Ngay sau khi Iran quyết định ngừng bán dầu cho Anh và Pháp, giá dầu đã tăng vọt tại châu Á và giới phân tích kinh tế lo ngại về tác động của những bất đồng giữa Iran và phương Tây với triển vọng kinh tế vốn không mấy sáng sủa ở khu vực.

 Giá một thùng dầu thô biển Bắc tại thị trường Singapore hôm qua đã lên 121 USD/thùng - mức cao nhất kể từ 8 tháng qua sau khi Iran tuyên bố ngừng xuất khẩu dầu cho các công ty Anh và Pháp một ngày trước đó.

Thị trường New York cũng bị tác động mạnh, giá dầu chuẩn WTI, tức là dầu ngọt nhẹ Texas, tăng gần 2 USD/thùng, vượt ngưỡng 105 USD/thùng lần đầu tiên trong khoảng 9 tháng qua.

Theo các chuyên gia của thị trường dầu mỏ thì nguyên nhân là do căng thẳng leo thang trong khu vực eo biển Hormuz và vấn đề hạt nhân của Iran.

“Giá dầu thô đã liên tục tăng do căng thẳng xung quanh vấn đề Iran. Người ta lo ngại rằng, giá năng lượng cao có thể gây ảnh hưởng tới sự phục hồi của kinh tế Mỹ, của châu Á và của cả nền kinh tế thế giới”, một nhà phân tích kinh tế Mỹ nói với báo giới.

Ngày 19/2, bộ Dầu mỏ Iran đã thông báo ngừng bán dầu cho Anh và Pháp nhằm trả đũa lại các trừng phạt Iran của Liên minh châu Âu.

Iran là nước sản xuất dầu lớn thứ hai của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), mỗi ngày sản xuất 3,5 triệu thùng dầu, trong đó xuất khẩu 2,5 triệu thùng.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và phương Tây gia tăng, một nhóm thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa tới Teheran để thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran. Các chuyên gia có hai ngày để gặp các quan chức Iran thảo luận về các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Trong khi đó, phát biểu trên đài truyền hình Anh sáng hôm qua, Ngoại trưởng Anh William Hague đánh giá rằng Israel sẽ không khôn ngoan nếu tấn công Iran.

London đã công khai tỏ rõ lập trường vào lúc Mỹ cũng gửi phái viên đến Israel để khuyên Nhà nước Do Thái giữ thái độ chừng mực trên hồ sơ hạt nhân Iran.

Theo Dân trí

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo