Giá dịch vụ - nơi “chặt chém”, nơi thong dong
Khác với các năm trước, năm nay nguồn hàng thực phẩm, rau xanh, hoa quả trong những ngày đầu năm khá dồi dào. Mặc dù các chợ truyền thống trong ngày mùng 1 - 3 tết nhiều nơi chưa mở cửa nhưng các tiểu thương vẫn họp chợ phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con nhân dân. Nhờ nguồn cung đảm bảo, giá cả hàng hoá nhìn chung ổn định so với thời điểm cận tết, một số nhóm hàng còn có xu hướng giảm. Tuy nhiên nhóm ngành dịch vụ vẫn duy trì ở mức cao, cá biệt có những điểm kinh doanh còn hiện tượng “chặt chém”
Khai trương sớm
Dạo quanh các chợ truyền thống tại TPHCM cho thấy, năm nay khá nhiều sạp hàng “mở hàng” sớm. Từ ngày 20.2 (mùng 2 tết) đã có một số sạp hàng khai trương trở lại và nhất là ngày mùng 3 và 4, nhiều tiểu thương đã hoạt động trở lại với lượng hàng bày bán phong phú. Theo các tiểu thương, lý do bày bán trở lại sớm là vì ngày 30 tết vừa qua, nguồn hàng rau xanh, hoa quả khá nhiều, giá rẻ nên các tiểu thương lấy hàng nhiều. Do lượng hàng thực phẩm này tiêu thụ chưa hết nên một số tiểu thương bày bán trở lại sớm, chỉ nghỉ ngày mùng 1 đầu năm. Bên cạnh đó, một số tiểu thương cũng cho biết khai trương sớm do tết năm nay không về quê. Chị Thanh Hương - tiểu thương bán rau, củ, quả tại chợ tự phát Đo Đạc (quận 2) - kể: “Năm nay em không về quê, tranh thủ ở lại bán hàng đến tận chiều 30 tết. Em chỉ nghỉ một ngày mùng 1 đầu năm, đến sáng mùng 2 bán trở lại vừa để tiêu thụ cho hết lượng hàng tồn, tranh thủ kiếm ít tiền. Những ngày đầu năm, ít người bán, hầu như các mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả đều được giá hơn ngày thường chút ít”.
Nhiều điểm bán hàng thực phẩm, rau, củ, quả, hoa tại Hà Nội mở hàng sớm, mặc dù chợ ngừng hoạt động những ngày tết. Họ họp ngay cổng chợ, khoảng 5% số lượng tiểu thương kinh doanh tại chợ mở hàng ngày mùng 1 tết. Đến ngày mùng 2 có khoảng 30% số hộ kinh doanh cũng mở hàng và đến ngày mùng 5 thì số lượng sạp, điểm kinh doanh đã tăng lên khoảng 60%.
Song song với hệ thống chợ truyền thống, năm nay hệ thống các siêu thị cũng mở cửa bán lại sớm, phục vụ nhu cầu mua thực phẩm tươi sống của người tiêu dùng. Từ mùng 2 đến mùng 5 tết, các siêu thị Co.opmart khu vực TPHCM đã khai trương phục vụ từ 8 - 12 giờ/ngày.
Tại Hà Nội, từ ngày mùng 4 tết, hầu hết các siêu thị đã mở hàng phục vụ nhu cầu mua sắm. Khác với mọi năm, người dân tập trung mua sắm dịp cận tết dẫn tới tình trạng quá tải nhưng năm nay, lượng khách cũng chia đều cho cả những ngày sau tết, siêu thị Co.opmart, Big C, Metro, Fivimart… đảm bảo lượng hàng cung ứng đầy đủ, giá không biến động so với thời điểm trước tết. Những mặt hàng được người dân tập trung mua vẫn là thực phẩm, rau xanh, hoa quả…. Theo đại diện TCty Thương mại Hà Nội (Hapro), tất cả các cửa hàng mở cửa trong hệ thống bán hàng bình thường từ ngày mùng 4 tết. Riêng các ngày 1, 2, 3 tết, Hapro duy trì 6 điểm bán hàng phối hợp với một số điểm bán hàng bình ổn giá. Nhìn chung lượng hàng dự trữ đảm bảo đầy đủ, không có hiện tượng khan nguồn cung.
Ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc Marketing Saigon Co.op - cho biết, Co.opmart khai trương sớm từ mùng 2 tết chủ yếu để bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thủy - hải sản, thịt gia súc và gia cầm để phục vụ nhu cầu cúng lễ đầu năm của người dân. Siêu thị thực hiện giảm giá từ 10 - 20% cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Có lẽ dịch vụ ngày tết mở hàng khá sớm, hầu hết các điểm trông giữ xe, viết sớ - câu đối, dịch vụ ăn uống mở cửa khá sớm. Không chỉ ở khu vực dân cư mở hàng sớm mà ngay kể cả các đường phố, điểm trước cổng chùa, đền cũng mở hàng từ đêm 30 tết “thông” sang năm mới. Một số quán ăn đêm ở phố cổ bán hàng thông đêm từ tối 30 tết. Theo nhận định của các chủ cửa hàng mặt phố thì năm nay mùng 1 tết tốt ngày, vì vậy, nhiều điểm kinh doanh bán thông từ năm cũ sang năm mới để lấy may.
Giá dịch vụ nhiều nơi vẫn “chém”
Theo khảo sát tại thị trường Hà Nội sáng mùng 5 tết, tại một số địa điểm như phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, chùa Quán Sứ…, lượng người đổ về đi lễ tăng đột biến. Lượng người hành lễ đông kéo theo nhiều dịch vụ “ăn theo” có cơ hội “chặt chém” khách. Dọc hai bên đường dẫn vào phủ Tây Hồ, các hàng quán bán đồ lễ, cành vàng lá ngọc và hàng ăn uống mọc lên như nấm. Điều đáng nói, giá dịch vụ tại đây đã bị đẩy lên cao, thậm chí nhiều mặt hàng có giá tăng gấp đôi so với ngày thường. Một bát bún ốc 50.000 đồng (tăng từ 20.000 - 30.000đ/bát), nước suối: 10.000 - 15.000đ/chai (tăng từ 5.000 - 7.000đ/chai). Bên cạnh đó các loại hoa quả, hương nhang cũng bị đẩy giá. Chị Thoa (Đền Lừ, Hoàng Mai) đưa hai con nhỏ đi vãn cảnh chùa tỏ ra bức xúc: “Chốn chùa chiền mà họ (những người buôn bán) cũng lợi dụng để kiếm lời được. Tôi vừa phải trả 70.000 đồng cho một quả dừa tươi và một cốc nước mía cho hai đứa nhỏ. Việc tăng giá này năm nào cũng xảy ra, mà chẳng thấy cơ quan quản lý địa phương có biện pháp chấn chỉnh!”.
Tại TPHCM, một số hàng quán treo biển thông báo phụ thu 15 - 20 - 30% so với ngày thường từ mùng 1 - 5 tết với lý do phụ thu chi phí nhân công phục vụ tết. Từ mùng 6 trở đi, giá dịch vụ ăn uống trở lại như trước tết.
Tại một số trục đường như Mai Dịch, Doãn Kế Thiện, một vài lò bánh mì đã hoạt động trở lại, giá không chênh lệch mấy so với ngày thường: 20.000đ/10-11chiếc. Giá các dịch vụ khác như rửa xe ôtô: 40.000đ/xe mini, 50.000đ/xe 4 chỗ, 70.000đ/xe 7 chỗ...; vá xe: 100.000đ/2 miếng kèm khuyến mãi bơm lại 4 bánh; rửa xe máy: 15.000đ/chiếc (rửa bằng nước giếng khoan), 20.000đ/chiếc (rửa bằng nước máy)...
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo