Tin tức - Sự kiện

Gia đình đầm ấm bao nhiêu, công việc suôn sẻ bấy nhiêu

“Tôi thành công phần lớn là nhờ sự hậu thuẫn của gia đình”. Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên) khẳng định như vậy.

 

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên)

 Tôn vinh cuộc sống gia đình

Sau một vòng dẫn chúng tôi đi tham quan tòa nhà văn phòng Công ty khang trang nằm trên phố Nguyễn Đình Chiểu, TP. Tuy Hòa, bà Nga khởi đầu câu chuyện về chặng đường kinh doanh của mình.

 

So với những gì mà chúng tôi biết về bà và gia đình, về nỗi gian nan của những người phải gắn mình với đồng tôm, cộng khổ với người nuôi trông thủy sản trên khắp đất Phú Yên để tạo dựng thương hiệu Đắc Lộc, câu chuyện của bà lại tràn ngập niềm vui.

Bà nói, tự thấy mình là người hạnh phúc, vì “ngước lên không bằng ai, nhìn xuống nhiều người còn khổ hơn mình”. Nhất là bà hạnh phúc vì có một cuộc sống gia đình êm ấm. Không có nhiều doanh nhân thoải mái chia sẻ về gia đình như vậy.

Bà Nga tâm sự: “Chồng tôi, hiện đang làm Phó giám đốc doanh nghiệp, chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật. Anh ấy yêu nghề, thiết tha và gắn bó với từng con tôm, từng con giống thủy sản. Tôi hiểu và chia sẻ cùng anh ấy. Nếu không có anh ấy, tôi sẽ không thể làm được nhiều việc như ngày hôm nay. Đây có thể nói là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời tôi”.

Nói đến đây, chúng tôi chợt nhớ có lần ghé trại nuôi tôm lớn nhất của Đắc Lộc đầu tư ngoài Sông Cầu, giáp Bình Định. Lần đấy, có thể nói là thời điểm hiếm khi vợ chồng bà cùng ở bên nhau đón tiếp chúng tôi và cũng từ lần đấy, chúng tôi cảm nhận được sức mạnh gia đình trong thành công của Doanh nghiệp Đắc Lộc.

Quay lại với cuộc trò chuyện, bà Nga cũng cởi mở kể với chúng tôi rằng, vợ chồng bà đang có nhiều dự định cho tương lai và những dự định đó đều không tách rời khỏi con tôm, trại giống. Cụ thể, đó là việc Đắc Lộc đầu tư Trung tâm Giao dịch thủy sản tại Sông Cầu và sắp tới, sẽ đầu tư một nhà máy chế biến thuỷ sản lớn.

“Đây đều là ý tưởng của chồng tôi. Nhưng vì cũng làm kinh doanh, nên tôi rất hiểu và chia sẻ được những dự định, trăn trở của anh ấy. Chúng tôi cùng nhau thực hiện ước mơ của mình”, bà Nga khẳng định.

Nói đến đây, bà chia sẻ: “Đối với tôi, gia đình là một phạm trù thiêng liêng, sự nghiệp có thành công hay không đều nhìn từ phía gia đình, vun đắp gia đình ổn định, đầm ấm bao nhiêu thì công việc sẽ suôn sẻ bấy nhiêu. Chính vì lý do đó, dù tôi là đại diện pháp luật cho doanh nghiệp, nhưng tôi vẫn dành phần lớn thời gian cho gia đình, dạy dỗ con cái, tạo nền tảng tốt trong tương lai”.

Có lẽ cách suy nghĩ hướng nội và có một cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc đã mang lại cho vị nữ doanh nhân này một phong thái khác hẳn, trông có vẻ nhàn hạ, không hề khắc khổ. Đây chính là bí quyết ít nhiều giúp bà Nga giữ được sự trẻ trung so với độ tuổi của mình.

“Sự đồng thuận giữa các thành viên trong gia đình đã tạo nên một sức mạnh vô hình trong mọi quyết định kinh doanh của doanh nghiệp - gia đình. Đó là điều không phải ai cũng có được. Âu đây cũng là cái phúc của tôi”, bà Nga cười nói.

Gắn kết với đối tác, cộng đồng

Ít ai biết rằng, nuôi trồng thủy sản luôn chứa đựng nhiều gian khổ, thăng trầm và đây là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bà luôn tâm niệm: “Có ở trong nghề, mọi người mới hiểu nhau và cùng chia sẻ để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn và giảm thiểu rủi ro”. Chính suy nghĩ đó đã giúp Công ty Đắc Lộc nói chung và bản thân bà Nga nói riêng luôn biết gắn kết với nhiều đối tác, chia sẻ với chính người dân bản địa trong kỹ thuật nuôi trồng để cùng nhau phát triển.

Bà Nga tâm sự, để doanh nghiệp phát triển phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cũng như lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Đắc Lộc đã chủ động liên kết với các tập đoàn lớn, các viện nghiên cứu để lựa chọn nguồn giống thủy sản tốt cung cấp cho người nuôi. “Hiện tại, chúng tôi đang nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, thiết bị và công nghệ nuôi trồng thủy sản của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Khánh Hòa) và Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn hợp tác với các đối tác ở thị trường Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ, Cà Mau, TP.HCM… để cung cấp và trao đổi các mặt hàng thủy hải sản”, bà Nga nói.

Không những thế, Đắc Lộc còn chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân về chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, thực hiện tốt chương trình hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, quan tâm chia sẻ, tạo điều kiện và dành nhiều chính sách khuyến khích, động viên cho bà con nông dân. Vì thế, mô hình chăn nuôi bền vững được bà con tin tưởng khi hợp tác với doanh nghiệp.

Mặc dù là doanh nghiệp tư nhân, nhưng Đắc Lộc đã xây dựng kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn Global GAP, an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản; đến năm 2015 doanh nghiệp sẽ xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu nhằm tạo dựng thương hiệu thủy sản Phú Yên ở thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, để mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiệp đang lập thủ tục đầu tư khu sản xuất tôm thương phẩm theo mô hình nuôi siêu thâm canh tại xã An Mỹ (Tuy An).

Sự thành công của Đắc Lộc càng tô thêm hình ảnh nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga, chân dung người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, khéo dung hòa các quan hệ để tạo nên sức mạnh thành công

Thep Báo đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo