Gia Lai: Người dân thoát nghèo nhờ trồng chanh dây
Trao đổi với P.V, ông Lê Hồng Tân-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Kông Chro, cho biết: 5 xã được Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đầu tư hỗ trợ là những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao (80,2%). Nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ này phần lớn vì thiếu vốn sản xuất, tập quán canh tác còn lạc hậu. Qua tìm hiểu thực tế địa phương cho thấy, cây chanh dây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất pha cát này. Ban Quản lý Dự án cũng nhận thấy, các hộ nghèo nơi đây có thể trồng chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế nên đã đầu tư hỗ trợ.
Sau thời gian tham gia tiểu dự án trồng chanh dây, ông Đinh Tiến-Trưởng nhóm cải thiện sinh kế trồng chanh dây làng Chiêu Liêu (xã An Trung), phấn khởi cho biết: “Tham gia tiểu dự án trồng chanh dây, bà con không chỉ biết thêm một loại cây trồng mới mà còn được tiếp cận với kỹ thuật trồng trọt tiên tiến. 15 thành viên trong nhóm tích cực cùng nhau chăm sóc cây trồng. Sau 6 tháng, chanh dây đã cho quả. Đến cuối tháng 2-2018, nhóm đã thu hoạch được gần 4 tấn quả, bán với giá từ 7.000 đồng đến 20.000 đồng/kg”.
Cũng theo ông Tiến, 2 ha chanh dây của nhóm dự kiến thu vụ đầu được khoảng 50 tấn quả. Với giá bán như hiện nay, nhóm thu được khoảng trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm còn trích đóng quỹ nhóm được trên 50 triệu đồng. Khi có quỹ, nhóm sẽ duy trì hoạt động hiệu quả hơn. Sau khi tiểu dự án kết thúc, nhóm vẫn có vốn tái sản xuất, hướng đến sản xuất bền vững, góp phần giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.
Tương tự, tại tiểu dự án trồng chanh dây thôn 1 (xã Kông Yang), các thành viên đang rất phấn khởi. Theo ông Đinh Công Hạnh-Trưởng nhóm trồng chanh dây thôn 1, các thành viên trong nhóm là hộ nghèo và cận nghèo. “Mới đầu, một số thành viên trong nhóm cũng ngần ngại bởi chanh dây là cây trồng mới ở Kông Chro. Khi tham gia, các thành viên trong nhóm được hướng dẫn viên cộng đồng và cán bộ nông nghiệp hướng dẫn nhiệt tình, “cầm tay chỉ việc” từ cách trồng, bón phân, chăm sóc đến xử lý sâu bệnh. Khi thu hoạch chanh dây vụ đầu được 43 tấn, bán được trên 240 triệu đồng, bà con đã thực sự tin vào hiệu quả kinh tế mà loại cây trồng này mang lại. Hiện tại, các thành viên đang tập trung chăm sóc chanh dây để thu vụ thứ hai. Chanh dây trồng 1 lần cho thu 3-4 năm mới phải trồng lại”-ông Hạnh nói.
Sau vụ thu hoạch đầu tiên, hầu hết thành viên nhóm tiểu dự án trồng chanh dây thôn 1 đã nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Số tiền thu được từ bán chanh dây, nhóm chia đều cho các thành viên, mỗi người được hơn 15 triệu đồng. Số tiền đó, bà con để chi tiêu, mua sắm vật dụng trong gia đình; đồng thời mua vật tư, giống chanh dây, phân bón trồng thêm ở vườn nhà. “Nhờ có tiền bán chanh dây, gia đình tôi trang trải cuộc sống và mua được 1 con bò giống. Tôi đang cùng các thành viên trong nhóm chăm sóc chanh dây vụ 2, phấn đấu vụ này sản lượng đạt cao hơn. Có thêm tiền, gia đình tôi sẽ chuyển đổi diện tích đất trồng mì sang trồng chanh dây”-ông Nguyễn Đức Ảnh-thành viên nhóm trồng chanh dây thôn 1, phấn khởi cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Ký-Chủ tịch UBND xã An Trung, hàng năm, xã đều tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho người dân. Tuy nhiên, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên lại có cách hỗ trợ hộ nghèo khác biệt so với dự án khác. Ngoài việc tổ chức để các hộ nghèo tập huấn và sản xuất theo nhóm, Dự án còn bố trí cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng theo sát hỗ trợ người dân trong suốt quá trình sản xuất. Đây là yếu tố quan trọng để các kiến thức khoa học kỹ thuật được vận dụng vào thực tiễn sản xuất của bà con. Theo đó, hợp phần sinh kế Dự án triển khai trên địa bàn xã đến nay đã cho thấy hiệu quả rõ ràng, nhất là 2 nhóm trồng chanh dây ở làng Chiêu Liêu và Broch.
End of content
Không có tin nào tiếp theo