Giá rớt 1.000 đồng/kg, muối Sa Huỳnh vẫn vắng người mua
Đầu vụ muối năm ngoái, giá đạt đến 1.800-2.000/kg, năm nay giá muối giảm một nữa khiến diêm dân méo mặt.
Muối cũ chưa bán xong
Cuối tháng 3, như mọi năm diêm dân tranh thủ xuống ruộng chỉnh trang, chuẩn bị vụ muối mới. Nhưng năm nay, không khí vắng lặng hơn. Giữa một cánh đồng muối bao la chỉ có một vài diêm dân đang làm phẳng ruộng.
Ông Trần Ngọc Thạch (thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh) cùng vợ đang chỉnh trang lại ruộng muối sạch làm bằng xi măng.
Ông Thạch nói như mếu: “Tới vụ thì phải làm thôi chứ muối cũ chưa bán xong. Nhà làm muối sạch bán cũng chỉ 1.000 đồng/kg mà họ còn không chịu mua”.
Ông chỉ tay về phía quốc lộ 1, nơi có rất nhiều ụ muối lớn của người dân từ vụ muối năm ngoái vẫn chưa kịp bán. Muối sạch giá đã khó bán như thế thì muối làm theo truyền thống, hạt muối đen hơn, thương lái còn không mua. Nhiều diêm dân phải gánh muối đi bán dạo ở các huyện khác để có chỗ chứa muối cho vụ mới.
Chị Nguyễn Thị Bình, cùng chồng đang be lại bờ ruộng và sửa mương dẫn nước cho biết mấy ngày qua vợ chồng thuê xe mang muối lên tận huyện miền núi Tây Trà và Trà Bồng để bán dạo các xóm.
“Bán vậy nhanh hết muối, giá cũng nhỉnh hơn chút đỉnh, trừ tiền xe vận chuyển mỗi kí bán được khoảng 1.400 đồng”, chị Bình nói.
Theo chị Bình, những năm trước, diêm dân thường tích trữ muối đến đầu mùa bán giá cao bởi chưa có muối.
Đầu mùa này giá xuống quá thấp khiến họ không còn mặn mà với muối. Uớc tính, cả đồng muối Sa Huỳnh khoảng 115ha với gần 600 hộ làm muối, thời tiết thuận lợi được khoảng 55.000 tấn muối thành phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Chánh, chủ nhiệm HTX Muối 2 cho biết nghề làm muối đã khổ mà giá lại thấp nên diêm dân mỏi mệt. “Có khi hết thế hệ này đồng muối bị bỏ hoang bởi không ai làm cũng nên”, ông Chánh thở dài.
Muối có thương hiệu ngư dân vẫn khổ
Một diêm dân lớn tuổi ngồi nghỉ mát nói: "Muối Sa Huỳnh giờ… nổi tiếng là nhờ người dân gánh đi bán khắp nơi..."
Một nguyên nhân khác, Nhà máy Muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh đầu tư 5 tỉ đồng được xây dựng ngay tại cánh đồng, công suất 120 nghìn tấn/năm sẽ tiêu thụ hoàn toàn số muối ở Sa Huỳnh.
Diêm dân từng kì vọng sẽ giúp họ thoát khỏi cảnh muối rớt giá và ế ẩm. Thế nhưng nhà máy đã ngừng hoạt động từ năm 2010 mà chẳng diêm dân nào biết chuyện.
Ông Võ Sẵng (thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh), mang xi măng đi vá lại ruộng muối, ngán ngẩm kể: “Ruộng muối này là kết quả mà nhà máy chế biến muối để lại”.
Hồi mới ra đời, họ chê muối tụi tui có nhiều tạp chất, rồi đi các tỉnh khác mua muối về chế biến. Năm 2008 nhà tôi đầu tư 50 triệu đồng làm ruộng xi măng theo chương trình khuyến diêm mà Sở NN&PTNT khuyến khích để có nguồn muối tốt bán cho nhà máy. Nào ngờ, giờ tốn tiền tu bổ mà muối cũng chẳng có giá cao hơn là bao.
Giá muối thấp ngay từ đầu vụ là một tình trạng hiếm thấy ở đồng muối Sa Huỳnh, ông Nguyễn Kỳ, chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh nói: “Làm muối là một nghề khổ. Người dân tuy làm ra được muối nhưng đầu ra gần như phụ thuộc. Nhà máy đóng cửa mấy năm qua khiến diêm dân càng khổ hơn. Sắp tới xã sẽ đề xuất với huyện, tỉnh có những chính sách tháo gỡ khó khăn để dân làm muối Sa Huỳnh sống được với nghề”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương