Thị trường

Gia tăng phát mãi tài sản

Nhà, đất, xe hơi... đều được phát mãi. Tình trạng này dự báo sẽ còn gia tăng khi kinh tế tiếp tục khó khăn.

Ngân hàng đi bán địa ốc

Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng  ở Q.Tân Bình, TP.HCM gửi mail cho chúng tôi: “Em đang xử lý căn nhà… Bùi Viện, Q.1. Diện tích 35m2, nở hậu, 1 lầu, nhà đang bỏ trống. Giá 2,5 tỉ đồng, còn thương lượng”. Kèm theo thư là hình ảnh căn nhà mà NH đang rao phát mãi.

 

Vị giám đốc này cho biết cách đây hai năm, chủ của căn nhà trên mua với giá 3,2 tỉ đồng, vay NH hơn 2 tỉ đồng. 1 năm trở lại đây, khách hàng không trả được nợ nên đã ký giấy ủy quyền cho NH phát mãi căn nhà.

 

Theo vị giám đốc ngân hàng, dạo này ngân hàng phải xử lý nhiều vụ phát mãi tài sản của khách hàng nhưng cũng phải mềm mỏng xử lý để tránh trường hợp xấu. ngân hàng đang xử lý một trường hợp mà khách hàng vay tự tử.

 

Khách hàng này vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng để mua ô tô nhưng vay thêm của tín dụng đen 4 tỉ đồng. Khi rơi vào tình trạng không thể trả nổi, bị đe dọa nên ông này đã tự tử. “Người chết thì xong, còn người sống thì phải xử lý các khoản nợ”, vị này cho hay.

 

Anh T. môi giới bất động sản tại Hà Nội cũng cho biết, hiện trong tay anh đang có danh sách một loạt các ngân hàng bán phát mãi tài sản, trong đó chiếm tới 80-90% là nhà ở, đất liền kề, căn hộ chung cư, biệt thự… Đơn cử: nhà 4 tầng, khu Biên Giang, Q.Hà Đông, Hà Nội diện tích 70,7m2, mặt tiền rộng 5m, giá thị trường 2,6 tỉ đồng, giá ngân hàng phát mãi 2,25 tỉ đồng.

 

Đất đấu giá Đồng Dung, Đồng Mai, Hà Đông 78m2 giá thị trường 32 triệu đồng/m2, giá phát mãi 25,5 triệu/m2. Đất xã Kim Lan, Gia Lâm diện tích 313m2, giá bán 8 triệu/m2… “Tất cả đều được bán phát mãi, nếu anh muốn mua thì làm việc trực tiếp với ngân hàng VIB, bọn em chỉ ăn tiền hoa hồng môi giới”, anh T. nói.

 

K.Y - môi giới một sàn bất động sản tại khu vực Cầu Giấy, Hà Nội - cho biết trong những ngày vừa qua, có hàng loạt khách hàng đến đăng ký bán nhà, đất có sổ đỏ “găm” tại ngân hàng… để trả các khoản vay sắp đáo hạn.

 

Trường hợp mới nhất mà cô nhận được là mảnh đất ở ngõ 157 Chùa Láng, rộng hơn 200m2, mặt tiền 11m, hiện khách đang đặt sổ đỏ tại Techcombank, giá bán khoảng 60 - 65 triệu đồng/m2. “Họ cần bán gấp vì ngân hàng đang ra sức ép do trong tháng này đã phải đáo hạn các khoản vay”, K.Y nói.

 

Không chỉ bất động sản, rất nhiều khách hàng cá nhân đứng trước nguy cơ chia tay những tài sản giá trị khác khi các khoản vay đã quá hạn mà không có tiền để trả. ngân hàng Quân đội (MB) cũng vừa chính thức phát mãi xe Lexus LS460L đời 2007 của anh H. tại TP.HCM với giá 2,5 tỉ đồng.

 

 

Rẻ cũng khó bán

 

Theo một chuyên viên xử lý nợ của Agribank, mặc dù ngân hàng và khách hàng tích cực làm việc và thỏa thuận với nhau để bán tài sản nhưng không phải dễ. Thậm chí, nhiều khách hàng chấp nhận bán rẻ nhưng cũng không bán nổi.

 

“Không chỉ khách hàng mà đến ngân hàng cũng đau đầu, khốn khổ khi phải đi phát mãi bất động sản vào thời điểm này”, cán bộ trên nói. Trong mấy ngày qua, chuyên viên này cũng phải chạy đôn chạy đáo làm việc với khách hàng để xử lý một căn nhà trên phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội để chuẩn bị cho khách hàng thanh toán các món nợ sắp đáo hạn.

 

Anh K. - giám đốc chi nhánh một ngân hàng  tại Vũng Tàu - cho biết những căn nhà do ngân hàng phát mãi thường rẻ hơn so với giá thị trường từ 10 - 20%. Chẳng hạn ngân hàng này đang phát mãi một biệt thự nhìn ra biển tại Vũng Tàu với giá 15 tỉ đồng.

 

Giá cao nhất mà căn biệt thự này đạt được trước đây là 19 - 20 tỉ và giá trên thị trường hiện nay tầm 17 tỉ đồng. Trong một trường hợp khác, một căn nhà có diện tích 12x12m trên đường Trương Quốc Dung, Q.Phú Nhuận, TP.HCM bị ngân hàng ép giá phát mãi chỉ 5 tỉ đồng để giải quyết khoản nợ vay 1,3 tỉ đồng, thực tế giá đất khu vực này cao hơn nhiều.

 

Hiện nay phần lớn nợ xấu tại các nhà băng nằm trong bất động sản. Tỷ lệ này có thể chiếm tới một nửa trên tổng số nợ xấu, thậm chí còn cao hơn, nhưng khốn khổ hơn cả là rất khó thu hồi, dù ngân hàng đã dùng tới biện pháp cuối cùng là phát mãi tài sản.

 

“Theo thủ tục thì các ngân hàng sẽ thỏa thuận với khách hàng bán phát mãi tài sản trước, nếu không được thì khởi kiện ra tòa. Vấn đề là dù khách hàng sẵn sàng bán, nhưng cũng chẳng mấy ai mua, vì vậy mà các khoản nợ xấu của ngân hàng ngày càng xấu hơn và càng khó thu hồi”, giám đốc một NH tại Hà Nội chua chát.

 

TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP.HCM - cho biết: “Nếu tài sản mà ngân hàng phát mãi qua hình thức đấu giá thì lúc này giá tài sản đó sẽ không còn rẻ nữa bởi đã phát sinh lãi phạt, tiền môi giới, tổ chức đấu giá…

 

Người mua tài sản phát mãi chỉ có thể mua được giá rẻ khi quen với nhân viên ngân hàng. Nếu mua tài sản phát mãi để ở, giá rẻ 20% giá thị trường thì có thể mua; còn nếu mua để đầu tư trong giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay thì nên cân nhắc vì lãi tiền mặt hiện cao do đó găm vốn lâu phải tính”.

Theo Thanh Xuân -  Anh Vũ (TN)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo