Giá tiêu dùng Việt Nam tăng 8 tháng liên tiếp
Theo tính toán, so với cùng kỳ 5 năm qua, CPI tháng 5/2016 có mức tăng cao nhất. Đặc biệt, đây cũng là tháng thứ 8 liên tiếp chỉ số giá đi lên.
Chiếu theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2016, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, ở mức 2,39%. Đứng thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,88% và đứng thứ ba là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, tăng 0,56%.
8 nhóm hàng còn lại có mức tăng nhẹ. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,36%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; bưu chính viễn thông tăng 0,03%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,02%; giáo dục tăng 0,02%.'
Theo Tổng cục Thống kê, có nhiều nguyên nhân dẫn tới CPI tháng 5 tăng. Cụ thể, nhóm lương thực tăng là do thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký và tác động của khô hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL.
Chỉ số nhóm thực phẩm tăng chủ yếu tăng ở nhóm hàng thịt sau khi xảy ra hiện tượng thủy sản chết bất thường ở biển miền Trung khiến cho lượng thủy hải sản tiêu thụ ít đi, cùng với việc thương lái thu gom lợn hơi để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Việc giá xăng, dầu tăng vào các ngày 20/4 và 5/5 cũng dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,15% so với tháng trước, góp phần tăng CPI chung khoảng 0,21%. Việc tăng giá này cũng góp phần khiến giá nhóm giao thông tăng mạnh.
Ngoài ra, giá dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 4,72% do từ 1/5 Nhà nước thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng.
Không tính vào CPI, chỉ số giá vàng tăng 1,45% do biến động giá thế giới. Trong khi đó, tỉ giá USD/VND tương đối ổn định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo