Tin tức - Sự kiện

Giá vàng tăng 3 triệu đồng/lượng trong 24 tiếng

 VnEconomyLúc 9h30 sáng nay, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 37,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 38,05 triệu đồng/lượng (bán ra). Nếu lấy mức giá cuối giờ chiều qua làm mốc so sánh, giá vàng SJC tại DOJI hiện tăng 1,05 triệu đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) báo giá vàng SJC ở các mức tương ứng lần lượt là 37,3 triệu đồng/lượng và 38 triệu đồng/lượng. So với cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC tại công ty này hiện tăng đúng 1 triệu đồng/lượng.

Như vậy, sau khi chạm đáy của hơn 2 năm rưỡi ở mức 34 triệu đồng/lượng cho chiều bán vào sáng hôm qua, giá vàng SJC hiện đã phục hồi được khoảng 3,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 3 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Các doanh nghiệp vàng vẫn đang thận trọng, giữ chênh lệch giá mua-bán vàng ở mức cao, phổ biến 700.000-800.000 đồng/lượng.

Tuần này đã trở thành một trong những tuần biến động mạnh nhất của giá vàng trong nước trong những năm gần đây. Ngoài tác động từ những cú trồi sụt chóng mặt của giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước còn chịu ảnh hưởng bởi lực mua vàng vật chất gia tăng, biến động tỷ giá USD/VND, cùng thời điểm cuối cùng cho các tổ chức tín dụng tất toán trạng thái vàng 30/6.

Tuy đã phục hồi mạnh, giá vàng trong nước hiện vẫn thấp hơn 1,7 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước.

Vàng giảm giá sâu đã đẩy nhu cầu mua vàng vật chất của người dân tăng mạnh trong tuần này. Tại Hà Nội, một số cửa hàng kim hoàn trên “phố vàng” Trần Nhân Tông đã có những thời điểm hết vàng miếng để bán. Nhiều khách mua vàng đã phải trả tiền, nhận ticket, rồi đem ticket tới nhận vàng sau.

Tuy nhiên, mua vàng trong tuần này chủ yếu là những khách mua nhỏ lẻ để tích trữ dài hạn. Theo giới kinh doanh vàng, ở thời điểm nhiều biến động và rủi ro như hiện nay, hầu như không có sự xuất hiện của những khách mua lớn. Nhóm phân tích vàng của ngân hàng TienPhong Bank cũng khuyến cáo, việc đầu tư, cất trữ vàng tại thời điểm hiện tại là khá rủi ro.

Hạn chót 30/6 cho các tổ chức tín dụng tất toán trạng thái vàng đã đến. Sau đúng 3 tháng tổ chức đấu thầu vàng miếng với mục đích chính là giúp các tổ chức tín dụng có nguồn vàng để tất toán, Ngân hàng Nhà nước đã chào thầu 1,058 triệu lượng vàng, tương đương gần 40,7 tấn vàng, và bán được 957.000 lượng, tương đương 36,8 tấn vàng.

Theo một số dự báo từ giới kinh doanh vàng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có thể rút ngắn sau 30/6, vì lực mua từ các ngân hàng không còn như trước. Tuy nhiên, hiện chưa ai dám khẳng định chắc chắn điều này sẽ xảy ra. Sáng nay, giá vàng SJC bán ra cao hơn giá quốc tế quy đổi 6,1 triệu đồng/lượng.

Tuần này chứng kiến tỷ giá USD/VND biến động mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 21.036 đồng sau hơn 1 năm rưỡi giữ ở mức 20.828 đồng. Giá USD tự do tại Hà Nội hôm qua đã có lúc lên gần 21.500 đồng, sau đó giảm nhẹ về quanh ngưỡng 21.400 đồng.

Sáng nay, giá USD “chợ đen” tại Hà Nội phổ biến ở mức 21.360-21.370 đồng (mua vào) và 21.410-21.420 đồng (bán ra).

Trong tháng 6 này, giá vàng SJC đã giảm khoảng 3 triệu đồng/lượng, nâng tổng mức giảm của quý 2 lên gần 6 triệu đồng/lượng. Nếu tính từ đầu năm, giá vàng hiện đã giảm gần 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng quốc tế đã tăng mạnh trong phiên đêm qua nhờ lực mua chốt lãi của giới đầu tư bán khống. Lúc đóng cửa phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 34,5 USD/oz, tương đương mức tăng xấp xỉ 2,9%, so với giá đóng cửa phiên liền trước, đạt 1.236,3 USD/oz. 

Tuy vậy, sau phiên tăng mạnh của ngày thứ Sáu, giá vàng vẫn hạ 23% trong quý 2. Vàng quốc tế đang đương đầu sức ép giảm giá lớn bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm nới lỏng tiền tệ trong thời gian từ nay tới cuối năm và tiến tới đóng chương trình QE trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng này vào nửa đầu năm 2014.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo