Giá xăng bán lẻ giảm chỉ hơn nửa giá xăng nhập khẩu
Báo VnExpress dẫn báo cáo tình hình xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm của Trung tâm Thương mại và Công nghiệp (VITIC) mới công bố cho thấy, giá nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu tháng 9 giảm hơn 8% so với tháng trước và gần 43,2% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, giá xăng dầu nhập khẩu giảm 38,3% so với cùng giai đoạn năm 2014.
Với giá xăng nhập khẩu, tính đến tháng 9/2015 đã giảm 40,29% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 38,78% so với 9 tháng năm 2014. Trong đó, giá xăng RON 92 nhập khẩu từ Singapore ở mức 495 USD/tấn, giảm 86 USD/tấn so với tháng trước và giảm tới 396 USD/tấn so với tháng 9/2014. RON 95 ở mức 598 USD/tấn, giảm tới 460 USD/tấn so với tháng 9/2014.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ giảm chậm hơn. Từ cuối tháng 9/2014 đến cuối tháng 9/2015, giá bán lẻ xăng RON 92 giảm từ 23.560 đồng về 17.950 đồng một lít, tương đương 23,8%. Mức giảm đối với RON 95 là 23,2%.
Trong 9 tháng đầu năm nay, một số loại thuế, phí xăng dầu thay đổi. Từ tháng 5/2015, thuế nhập khẩu được điều chỉnh từ 35% xuống 20% theo cam kết quốc tế, song thuế bảo vệ môi trường lại tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng mỗi lít. Cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định việc điều chỉnh này không ảnh hưởng đến giá bán lẻ trong nước.
Về việc này, trả lời trên báo Dân Trí, TS. Lê Đăng Doanh cho biết: "Giá xăng thế giới giảm không ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường Việt Nam mà phải qua các biện pháp hành chính. Đó là điều chúng ta cần xem xét”.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, dù khá khớp với xu hướng chung rồi nhưng giá mức lên xuống của giá xăng dầu vẫn không tương xứng với thế giới. “Nước mình giá xăng dầu không hoàn toàn theo giá thế giới bởi ngân sách phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xăng dầu nên khi giá thế giới xuống mà các khoản thu tăng thì giá vẫn tăng thôi”, ông Phong nói.
Theo nhiều ý kiến của một số doanh nghiệp, việc giá bán lẻ trong nước chưa thể giảm nhanh như giá nhập chủ yếu cho cách tính thuế, phí, quỹ bình ổn... Bởi cơ chế quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện được vận hành chưa không ổn và gây nhiễu giá, dễ bị ăn gian, lạm dụng. Chính vì thế, giới chuyên gia cho rằng nên bỏ quỹ bình ổn bởi về bản chất quỹ này hoàn toàn không cần thiết và không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo