Thị trường

Giá xe sản xuất trong nước có cơ hội giảm

Nếu miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng được sản xuất trong nước, giá thành ôtô sẽ giảm mạnh.

Bộ Tài chính vừa có văn bản phản hồi đến Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) về chính sách “gỡ khó” cho công nghiệp ôtô trong nước. Cụ thể, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho phần giá trị sản xuất trong nước, áp dụng đối với linh kiện phụ tùng ôtô. Bộ sẽ báo cáo Chính phủ về kiến nghị này.

Trước đó, Bộ Công thương và Công ty Hyundai Thành Công cũng đã kiến nghị lên Bộ Tài chính xem xét miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ôtô, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Ôtô dưới 9 chỗ tại Việt Nam đạt tỷ lệ nội địa hóa thấp. Ảnh: Đình Mười.

Một số nước Đông Nam Á đã miễn giảm

Tại Việt Nam (VN), số liệu của VAMI cho thấy chỉ có loại xe tải dưới 7 tấn và xe khách trên 25 chỗ ngồi có tỷ lệ nội địa hóa linh kiện phụ tùng khá tốt, còn lại hầu hết là nhập khẩu linh kiện để lắp ráp trong nước. Đặc biệt, 20 năm qua, mặc dù có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp ôtô trong nước, song tỷ lệ nội địa hóa ô tô tại VN còn rất thấp. Số liệu cho thấy, ô tô dưới 9 chỗ có tỷ lệ nội địa hóa đạt tầm 7-10%. Ngay với DN sản xuất lắp ráp ôtô lớn nhất nước là Trường Hải, tỷ lệ nội địa hóa cũng chỉ đạt 15-20%.

Ông Đặng Hữu Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Chợ xe kiểu Mỹ, cho rằng việc miễn giảm thuế TTĐB là chính sách nội bộ của VN và hoàn toàn có thể thực hiện được. Lý do người Việt vẫn còn mua xe hơi với giá cao hơn các nước lân cận rất nhiều bởi phần lớn số tiền chênh lệch này đến từ mức thuế TTĐB được “cào bằng” đánh vào ôtô nói chung. Thế nên, để khuyến khích các nhà sản xuất trong nước, các liên doanh phải đầu tư sản xuất linh kiện trong nước thay vì nhập khẩu, chính sách miễn giảm thuế TTĐB là hoàn toàn hợp lý. “Đây cũng là bước quan trọng để DN cơ khí trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu qua việc sản xuất linh kiện cung cấp cho các liên doanh trong nước và xuất khẩu”, ông Hiệp nói.

Nên ủng hộ nhà sản xuất linh kiện trong nước

Trước những lo ngại việc sửa đổi quy định miễn giảm thuế TTĐB cho linh kiện sản xuất trong nước sẽ vi phạm cam kết WTO, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng cam kết thương mại chỉ liên quan những vấn đề về thuế xuất nhập khẩu, còn thuế TTĐB là quyền quyết định của từng quốc gia, không liên quan gì đến các cam kết WTO. Hiện tại, nhiều nước bỏ hẳn thuế TTĐB với phần linh kiện sản xuất nội địa nhằm bảo hộ khuyến khích sản xuất trong nước. VN nếu cũng làm như vậy thì quá tốt. Bởi thuế này đánh vào người tiêu dùng, chỉ có người tiêu dùng thiệt, trong khi DN sản xuất trong nước chật vật cạnh tranh với linh kiện nhập nước ngoài.

 

“Ngành công nghiệp phụ trợ của VN còn rất yếu, khuyến khích nhà đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ bằng mức thuế hợp lý là điều cần thiết. Theo tôi, việc giảm thuế TTĐB với phần sản xuất ô tô trong nước là hoàn toàn hợp lý. Cũng đừng hiểu nhầm đây là vấn đề bảo hộ, mà là khuyến khích. Chỉ khi nhà nước lấy tiền của ngân sách bù tiền thuế đó cho DN mới gọi là bảo hộ”, ông Long lưu ý.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định không chỉ không “đụng chạm” đến cam kết WTO, các cam kết trong hiệp định tự do thương mại khác của VN ký kết với các nước cũng không ảnh hưởng. Chúng ta giảm thuế TTĐB cho cả DN VN, DN liên doanh sản xuất trong nước nếu đầu tư làm nhà máy sản xuất linh kiện trong nước cũng được giảm. Nếu làm như vậy, ai cũng được ủng hộ và tạo sân chơi bình đẳng cho nền công nghiệp ôtô. Tác động tích cực của nó là chính người tiêu dùng được hưởng lợi bởi giá thành lắp ráp ôtô trong nước chắc chắn sẽ giảm.

“Việc áp dụng chính sách này hoàn toàn tốt kèm theo một số hàng rào kỹ thuật hỗ trợ như không khuyến khích nhập khẩu linh kiện mà trong nước sản xuất được, nếu nhập khẩu sẽ bị đánh thuế rất cao. Bên cạnh đó cần đặt ra DN sản xuất ôtô nào có tỷ lệ nội địa hóa càng cao, sẽ được miễn giảm thuế càng nhiều cũng là chính sách tốt”, ông Phong nói thêm.

Nên đọc
Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo