Giải pháp cấp bách và lâu dài "giải cứu" thịt lợn rẻ như rau
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng việc giải cứu đàn lợn tồn trong dân là việc làm cấp bách. “Khi hàng nghìn hộ dân điêu đứng vì giá lợn hơi giảm, lượng thịt lợn tồn không có đầu ra thì đây không còn là vấn đề riêng của Bộ Nông Nghiệp nữa mà cần có sự chung tay của tất cả các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương. Do vậy, tôi mong các đồng chí cần vào cuộc một cách có trách nhiệm, sốt sắng để tìm các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Sau khi rà soát số liệu nhập khẩu, nguồn cung, sức tiêu thụ của thị trường, sản lượng đàn lợn tồn trong kho cũng như đánh giá những bất cập còn tồn tại, đại diện các đơn vị thống nhất 4 nhóm giải pháp trước mắt.
Cụ thể, thứ nhất: Bộ sẽ chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; Tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp và các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho thị trường.
Thứ 2: Chỉ đạo các Sở Công Thương kêu gọi các Doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường ký kết hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý.
Thứ 3: Xem xét việc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh thịt lợn tăng lượng thu mua và trữ đông thịt lợn chăn nuôi trong nước.
Thứ 4: Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác truyền thông khi các doanh nghiệp tăng thu mua lợn thịt trên thị trường để tạo định hướng cho thị trường.
Về giải pháp lâu dài, Bộ Công Thương sẽ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên vật nuôi, nhanh chóng công bố hết dịch; tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các doanh nghiệp thu mua chế biến lớn trong nước và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu để phối hợp, hỗ trợ cho Bộ Công Thương trong việc đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch.
Chỉ đạo hoạt động sản xuất chăn nuôi phải gắn với thị trường tiêu thụ; tăng cường gắn kết thông qua hợp đồng giữa sản xuất và các doanh nghiệp chế biến, phân phối. Cùng với đó là đề nghị Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường xuất khẩu cho lợn sống, lợn sữa, thịt lợn đông lạnh Việt Nam sang các thị trường Trung Quốc, Singapore...
End of content
Không có tin nào tiếp theo